Một giờ trò chuyện cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Anh Lãng thực hiện 05/02/2019 05:47

Ngày đầu xuân Kỷ Hợi, PV DĐDN trở lại Thái Bình, trò chuyện cùng ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Gặp chúng tôi, ông Thăng không dấu được cảm xúc, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt, ông hồ hởi chia sẻ: “Về tiềm năng của tỉnh Thái Bình chúng tôi đánh giá trong nhiệm kỳ tới 2020 – 2025 có định hướng 2030 khả năng tương lai phát triển rất rõ nét.

Thứ nhất, hiện nay chúng tôi đang lập quy hoạch xây dựng khu kinh tế Thái Bình. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì đây là khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực và năng động hiệu quả. Dù thời điểm hiện nay mới có quyết định của Thủ tướng nhưng đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu và đầu tư.

Thứ hai, chúng tôi đang chuẩn bị khởi công tuyến đường bộ ven biển Thái Bình. Dự kiến sau tết Kỷ Hợi chúng tôi sẽ tổ chức khởi công. Với việc khởi công tuyến đường ven biển sẽ kết nối các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Ninh, Hải Phòng). Hiện nay Quảng Ninh và Hải Phòng đã hình thành con đường này, việc đầu tư tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian và khoảng cách đi ra cảng biển Hải Phòng và ra sân bay Cát Bi – Hải Phòng nối với Quảng Ninh. Rõ ràng việc Khu kinh tế và đầu tư xây dựng hạ tầng tuyến đường ven biển sẽ là bước đột phá thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào tỉnh Thái Bình.

Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình bao gồm 30 xã, 01 thị trấn thuộc 02 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển; có diện tích tự nhiên 30.583 ha; phía Bắc giáp với thành phố Hải Phòng qua sông Hoá, phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng, phía Đông giáp biển Đông với hơn 54 km bờ biển, phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thuỵ và Tiền Hải.

Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình bao gồm 30 xã, 01 thị trấn thuộc 02 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển; có diện tích tự nhiên 30.583 ha

Ngoài ra, chúng tôi đang hình thành các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp nằm theo tuyến đường Thái Hà -  tuyến đường nối giữa Thái Bình với Hà Nam ra cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tôi được biết, hiện nay các doanh nghiệp cũng đang rất quan tâm. Khi đấu nối tuyến đường này vào quốc lộ ven biển thì chắc chắn đây sẽ là động lực mới cho sự phát triển của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.

Cắt giảm thủ tục hành chính, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp

Trong câu chuyện của mình, ông Thăng nhiều lần nhắc đến việc Thái Bình đang quyết tâm đơn giản hoá thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư. Đây cũng là một định hướng, mục tiêu hàng đầu mà tỉnh đang hướng tới.

- Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP, theo đó Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo các sở, ngành, đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính… Điều này Thái Bình đã và đang thực hiện như thế nào, thưa ông?

Đúng vậy! Đối với tỉnh Thái Bình, hiện nay thứ hạng cạnh tranh đang là vấn đề nhưng chúng tôi đang nỗ lực bằng cách cắt giảm thời gian giải quyết các  thủ tục hànhg chính; cắt giảm các thủ tục bên trong của những cơ quan tổ chức liên quan đến bộ thủ tục hành chính. Tức là làm sao để giảm thiểu phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, ở Thái Bình, chúng tôi gắn trách nhiệm vào người đứng đầu các đầu mối giải quyết các thủ tục hành chính. Đối với lãnh đạo tỉnh, khi trình các thủ tục hành chính của các doanh nghiệp, chúng tôi yêu cầu ghi rõ thời gian từ khi nhận hồ sơ cho đến khi trình uỷ ban tỉnh có đảm bảo đúng thời gian không và nếu chậm thì chậm ở khâu nào? Giải trình cụ thể. Đây là điều chúng tôi quyết tâm làm và làm cho tới cùng.

Mặt khác, để hỗ trợ và sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ cho Hiệp hội doanh nghiệp, thu hút và tập hợp các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó Hiệp hội sẽ là đầu mối tham mưu đề xuất với tỉnh tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng chỉ đạo Hiệp hội thành lập các Hội chuyên ngành. Hiện đã thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan; Hiệp hội doanh nghiệp nước; Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, dệt may...

Trên cơ sở đó Hiệp hội là đầu mối tập hợp ý kiến của doanh nghiệp trên từng lĩnh vực, sau đó UBND tỉnh sẽ đối thoại từng hiệp hội để giải quyết những vướng mắc. Hiện nay chúng tôi đã tổ chức được 02 buổi đối thoại với các doanh nghiệp nước và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, sắp tới sẽ đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vận tải...

Ngoài ra, chúng tôi giao cho ban quản lý khu kinh tế, cùng các sở ngành của tỉnh sẽ phải tham khảo các tỉnh có cơ chế thu hút vào khu kinh  tế phù hợp để xây dựng cơ chế, chính sách trình Thủ tướng Chính phủ phê duyêt khu kinh tế Thái Bình. Làm thế nào để vừa là phù hợp cơ chế chính sách xây dựng của tỉnh nhưng đồng thời có mang những nét đặc thù riêng của tỉnh Thái Bình.

- Những nỗ lực của lãnh đạo tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, song thực tế nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn gặp phải những khó khăn trong khâu thủ tục hành chính, quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Mặc dù tỉnh rất quyết tâm, nỗ lực cải cách hành chính nhưng bộ máy quản lý hành chính nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tâng lớp và nhận thức cán bộ công chức không giống nhau. Vẫn có tình trạng lãnh đạo rất tạo điều kiện nhưng cán bộ công chức chưa hẳn đã đồng nhất và ngược lại có nơi đôi ngũ cán bộ công chức rất nỗ lực “thoáng” nhưng lãnh đạo lại chưa thực sự tạo điều kiện doanh nghiệp. Chúng tôi nhận thức được vấn đề này và hiểu rằng phải nỗ lực nhiều hơn nữa thì mới có thể tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và từ môi trường ấy nó sẽ góp phần rất quan trọng trong việc cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm, hiện nay chúng tôi đã xây dựng cà phê doanh nhân nhưng thực sự vẫn chưa tạo được thói quen này trong cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn còn tâm trạng e ngại, chúng tôi mong muốn thông qua đây, các doanh nghiệp có thể đề xuất trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Tất nhiên không phải cái gì đề xuất cũng giải quyết được nhưng chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết sớm nhất những vướng mắc của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ thì Ban thương vụ Tỉnh uỷ đã có chủ trương, hiện nay mới luân chuyển cán bộ lâu năm ở một ví trí nhưng không phát huy được và quan tâm cán bộ trẻ năng động luân chuyển các vị trí phù hợp, điều chuyển cán bộ ở vị trí nhậy cảm ví dụ như kế toán, cấp đăng ký kinh doanh, giải quyết thủ tục về đất đai.

Tôi cho rằng cộng tổng hợp tất cả những vấn đề trên thì nó sẽ tạo ra được một môi trường sự cạnh tranh thu hút các doanh nghiệp. Hiện nay nhiều tỉnh có những chính sách rất ưu đãi và họ thực sự có lợi thế về địa lý, hoặc nhiều tỉnh rất năng động. Trong bối cảnh đó làm thế nào để minh thu hút được vào Thái Bình vừa hạ tầng vừa khu công nghiệp... như vậy cần tổng hoà rất nhiều yếu tố mới có thể được.

Cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra 3 đột phá tăng trưởng, trong đó có đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Chính vì vậy mà nâng cao chất lượng nguồn nhân lực luôn là một trọng tâm quan trọng nhằm thu hút và “giữ chân” nhà đầu tư trong bối cảnh các tỉnh cũng đang có sự cạnh tranh về thu hút đầu tư.

Cụ thể, Thái Bình sẽ có giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn tới, thưa ông?

Với việc hình thành khu kinh tế mới và hiện nay có nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã và đang đầu tư vào Thái Bình như:  Thaco Trường Hải, Tập đoàn Lộc Trời đầu tư Khu công nghiệp, cụm công nghiệp Quỳnh phụ, ngoài ra là các Tập Đoàn TH, Tập đoàn FLC, Sun Group... Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp FDI cũng đang tìm hiểu và đầu tư đang đặt ra thách thức, buộc chúng tôi phải suy nghĩ làm sao để lao động của tỉnh Thái Bình có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Không chỉ đáp ứng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao mà còn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất công nghiệp với công nghệ tiên tiến hiện đại rồi lĩnh vực dịch vụ du lịch thì đặt ra việc đào tạo lao động cho tỉnh Thái Bình là cả vấn đề rất lớn mà tỉnh Thái Bình rất quan tâm.

 Trước mắt, chúng tôi sẽ đinh hướng đào tạo lao động theo lĩnh vực mà các doanh nghiệp hiện đang đầu tư vào Thái Bình. Tôi lấy ví dụ như hiện nay với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao rõ ràng người ta sử dụng quy trình sản xuất tiên tiến hiện đại, vậy thì vấn đề người nông dân làm thế nào để đáp ứng quy trình này? Rồi việc quản lý trong các hoạt động dịch vụ thương mại, đặc biệt công nhân tham gia dây truyền của nước ngoài...

 Chúng tôi có kế hoạch giao nhiệm vụ cho các trường Đại học, trường Cao đẳng đào tạo những chuyên ngành mà các doanh nghiệp đang có nhu cầu. Trong việc thực hiện Nghị quyết 18, 19 của TƯ khoá XII sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Chúng tôi có xu hướng sáp nhập các trường nghề có trình độ cao đẳng và trung cấp thành đầu mối để làm sao nâng cao năng lực của các trường này. Trong đó thể hiện 2 mặt là anh có khả năng thu hút lao động này vào đối tượng có nhu cầu học, thứ hai là đối tượng này khi vào học xong có trình độ tay nghề có khả năng đáp ứng được yêu cầu lao động của doanh nghiệp.

Như vây sẽ phải có bước rất quan trọng trong việc giao nhiệm vụ cho các trường này, đồng thời phải có một chủ trương trong việc các doanh nghiệp gắn bó các cơ sở sản xuất để trong quá trình đào tạo có cái việc thực tập tay nghề. Hiện nay chúng tôi có trường Đại học Thái Bình làm rất tốt việc này. Trường tổ chức cho các học viên đi thực tập ở các đơn vị sản xuất kinh doanh ngay tại trong tỉnh và cũng mời chuyên gia về trao đổi kinh nghiệm cho sinh viên, học viên ngay ở trong trường. Tôi cho rằng đấy là cái xu hướng đào tạo nguồn nhân lực.

Còn đối với cán bộ quản lý chắc chắn sẽ phải có chương trình đào tạo, nâng cao nhận  thức việc hội nhập kinh tế, có khả năng theo kịp thực tế đặt ra. Ví dụ các doanh nghiệp vào đầu tư thì khó khăn vướng mắc tháo gỡ như thế nào. Giải quyết vấn đề của tỉnh, doanh nghiệp, ngườig dân như thế nào? Rõ ràng đòi hỏi người cán bộ không chỉ chuyên môn mà có năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn. Đây là vấn đề đặt ra trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ để có thể đáp ứng yêu cầu. Vấn đề này chúng tôi đã thực hiện trong năm 2018 và trong năm 2019 chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa vấn đề này.

Ngoài ra, cũng đặt vấn đề liên kết doanh nghiệp với nhà trường, kết nối nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp với khả năng đào tạo các trường.

Thu hút FDI thế hệ mới, tập trung vào nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc

Thực tế, việc thu hút FDI ở Thái Bình khá hạn chế, các doanh nghiệp FDI tìm đến tỉnh này hiện chủ yếu là sản xuất công nghiệp. Còn các nhà đầu tư lĩnh vực bất động sán, dịch vụ Thương mại hầu như chưa có. Đây là một điểm yếu cần phải khắc phục được ông Thăng nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện. Nói như thế không phải là Thái Bình chỉ “nằm chờ” các nhà đầu tư tìm đến, thực tế những năm qua lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và trăn trở câu chuyện thu hút FDI. Thái Bình đã cử nhiều đoàn xúc tiến đầu tư do đích thân lãnh đạo tỉnh dẫn đầu sang Nhật Bản,Hàn Quốc, Nga, Singapore, Thái Lan...để xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, nói như ông Thăng: “ Chúng tôi nhận thấy rằng để hội tụ thu hút FDI phải tổng hợp nhiều yếu tố, nhất là về hạ tầng, thể chế, khả năng cạnh tranh về lao động... Có nghĩa là Thái Bình phải xây dựng được cơ chế chính sách ưu đãi, phải có cải cách trong thu hút đầu tư thì mới thu hút được FDI. Đi xúc tiến đầu tư các nước sẽ không hiệu quả nếu như hạ tầng không đáp ứng được nhà đầu tư”.

Thưa ông, đúng là việc thu hút FDI của tỉnh Thái Bình trong những năm vừa qua theo đánh giá là chưa đạt như kỳ vọng. Lý do được nhiều nhà đầu tư đưa ra là hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp FDI. Điều này sẽ được tỉnh giải quyết như thế nào?

Chúng tôi nhận thức rất rõ điều này! Chính vì vậy, Thái Bình đang tập trung nguồn lực rất lớn vào việc đầu tư hạ tầng để tạo ra lợi thế cạnh tranh, thu hút FDI. Đơn cử, khu kinh tế, hạ tầng đường ven biển chỉ 2 năm nữa sẽ hoàn thành, con đường Thái Hà khi hoàn thành sẽ là lợi thế về vị trí địa lý so với Nam Định, Ninh Bình. Từ Thái Bình ra Hải Phòng rất nhanh, Hải Phòng có sân bay có cảng biển nước sâu. Ngoài lợi thế về hạ tầng thì cơ chế chính sách kèm theo vào khu kinh tế, khu cụm công nghiệp cũng sẽ giúp tỉnh tăng cường hút FDI.

Có thể bạn quan tâm

  • IDICO muốn được lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình

    08:00, 24/09/2018

  • Thành lập Khu kinh tế Thái Bình

    21:22, 31/07/2017

  • Thái Bình: Độc đáo phố ông đồ và góc chợ quê

    00:07, 31/01/2019

  • Tết về Thái Bình thưởng thức cá nướng Thái Xuyên

    06:24, 25/01/2019

Hiện nay các nhà đầu tư FDI vào Thái Bình chủ yếu là các nhà đầu tư Nhật Bản, HongKong, Hàn Quốc, còn các nước khác rất ít.

Ngoài ra, chúng tôi hiểu rằng bên cạnh nhưng ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất về hạ tầng đầu tư, thủ tục hành chính...chúng tôi cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Ví dụ như Thái Bình không có sân golf, dịch vụ ăn uống chưa đa dạng các món ăn các nước ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI, chưa kể đến trường học bệnh viện, vui chơi giải trí...

Và tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nào, thưa ông?

Xét về nhiều khía cạnh, vị trí địa lý, văn hoá, tiềm năng hợp tác...thời gian tới bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư nói chung, chúng tôi sẽ tập trung thu hút đầu tư FDI vào 2 đối tác là Nhật Bản và Hàn Quốc. Để tập trung nguồn lực thu hút FDI, chúng tôi sẽ sát nhập 3 trung tâm Xúc tiến Thương mại, Xúc tiến đầu tư... nằm ở 3 sở thành 01 trung tâm trực thuộc tỉnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI.

Với niềm tin như vậy, tôi tin rằng sang năm mới Kỷ Hợi, câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, xã hội của Thái Bình sẽ có nhiều khởi sắc, tận dụng được những tiềm năng và cơ hội mới.

- Trân trọng cảm ơn ông, chúc Thái Bình sẽ có nhiều niềm vui và thắng lợi trong năm mới 2019!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một giờ trò chuyện cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO