Bình luận

“Một luật sửa 4 luật” để giải phóng nguồn lực phát triển

Hạnh Lê 21/08/2024 04:30

Với yêu cầu cấp bách, thực hiện "một luật sửa 4 luật" cần xác định các điểm nghẽn để giải phóng nguồn lực, tranh thủ cơ hội phát triển.

Đây là một trong những yêu cầu được ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra với các thành viên Ban soạn thảo trong việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật là Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Một luật sửa 4 luật).

du thao luat 2
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại cuộc họp

Việc hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa các luật trên được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan ưu tiên dành thời gian, nguồn lực thực hiện với tinh thần "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm", bố trí các cán bộ có đủ năng lực, tâm huyết, trách nhiệm, khen thưởng, kỷ luật kịp thời.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc sửa đổi các Luật trên có ý nghĩa quan trọng, góp phần triển khai 3 đột phá chiến lược; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đáp ứng mong muốn của người dân và doanh nghiệp về giảm thủ tục hành chính, chống phiền hà, giảm chi phí tuân thủ; tháo gỡ khó khăn, huy động và sử dụng hiệu quả mọi mọi nguồn lực cho phát triển.

Với ý nghĩa và sự cần thiết như vậy, một trong những vấn đề trọng tâm trong việc sửa các dự án luật là giúp khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Nhìn nhận hiện nay đang có nhiều ách tắc, điểm nghẽn, đặc biệt là về thể chế, tư duy quản trị xã hội, đâu đó vẫn chưa theo kịp với sự phát triển, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh cần có tư duy mới, kiến tạo phát triển một cách chủ động. Từ đó, thay đổi tư duy quản trị xã hội bằng các công cụ, nguồn lực phù hợp, đảm bảo vừa thông thoáng, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý.

du-thao-luat-1(1).jpg
Việc sửa đổi các luật lần này được xem như cuộc cách mạng, đổi mới và cải cách thể chế

Đồng thời, tính chuyên nghiệp, chủ động quyết định tương lai phát triển đất nước cần được thể hiện trong luật pháp thông qua việc thay đổi tư duy lấy phát triển để duy trì ổn định, chứ không phải ổn định để phát triển.

Ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: “Làm luật lần này coi như một cuộc cách mạng thật sự, đổi mới và cải cách thể chế. Chúng ta cần thay đổi tư duy, tầm nhìn, phương thức quản lý và quản trị quốc gia. Điều này là nhu cầu đặt ra, rất cần các bạn gạt cái tôi sang một bên, đặt lợi ích phát triển đất nước lên trên hết, trước hết. Làm thế nào phát triển đất nước, giải phóng, huy động, sử dụng các nguồn lực hiệu quả; tranh thủ các cơ hội phát triển, dù là nhỏ nhất”.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương tiếp thu các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật, đặc biệt là nội dung các chính sách; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học; trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), bảo đảm tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Một luật sửa 4 luật” để giải phóng nguồn lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO