Chứng khoán

“Mùa vàng” từ cổ phiếu cảng biển

Nguyễn Phương Hà 26/05/2025 04:02

Cổ phiếu nhóm cảng biển đã thiết lập đỉnh thời đại, giúp giới đầu tư gặt hái "mùa vàng".

xep-do-hai-an-hah-lot-top-100-hang-tau-lon-nhat-the-gioi-lam-trung-tam-dich-vu-cang_67ac001802f86.jpg
Cảng xếp dỡ HAH đang chiếm khoảng 67% tổng sức chở của đội tàu container cả nước.

Điển hình các cổ phiếu giúp nhà đầu tư thắng lớn như cổ phiếu HAH - Công ty Cổ phần xếp dỡ Hải An thiết lập đỉnh mới 79.000 đồng/cp. Theo đó, cổ phiếu này đã tăng chóng mặt lên tới 60% so với mốc thị giá hồi đầu năm. Cổ phiếu GMD-Công ty Cổ phần Gemadept lập tiếp đỉnh mới 53.300 đồng/cp, so với đầu năm GMD tăng gần gấp đôi; Cổ phiếu VSC-Công ty Cổ phần Container Việt Nam tăng 22.000 đồng/cp, so với đầu năm VSC tăng tới 30%...

Không chỉ nhóm cổ phiếu cảng biển lớn thiết lập đỉnh mới mà các cổ phiếu nhóm cảng nhỏ cũng đều tăng mạnh. Vậy nhóm cổ phiếu này tăng do đâu?

Theo thống kê từ Vietstock, tổng doanh thu quý 1/2025 của 29 doanh nghiệp nhóm cảng niêm yết trên 03 sàn HOSE, HNX và UPCoM là gần 9.600 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng toàn ngành giảm nhẹ 6,1%.

Nhiều cảng lập mốc doanh thu, lợi nhuận vượt trội. Quý 1/2025, lợi nhuận của HAH tăng trưởng 382% so với cùng kỳ, lãi ròng của HAH được dự báo sẽ tiếp tục giữ đà tăng trưởng mạnh mẽ so với mức nền thấp của cùng kỳ khi liên tục nâng cấp công suất đội tàu lên đến 26,500 TEU ( tăng 50% ) và giữ vững thị phần hàng đầu (30%) của ngành vận tải container, giúp đóng góp tăng trưởng lớn cho doanh thu mảng khai thác tàu trong bối cảnh tăng trưởng của ngành vận tải biển 2025. Doanh thu và lợi nhuận năm 2025 của HAH ước tính sẽ tăng lần lượt tăng 16,8% và 14,1%.

Ngoài ra, HAH hưởng lợi nhờ xu hướng cho thuê tàu định hạn tăng cao trong bối cảnh nguồn cung tàu không tăng nhiều so với năm 2024. Trong bối cảnh tỷ giá tiếp tục neo cao, HAH sẽ được kí và tái kí thêm nhiều hợp đồng với giá cước cho thuê và kì vọng sẽ đóng góp đột phá về doanh thu cho mảng này của công ty với gần 1. 300 tỷ đồng (tăng 40%).

“Ông lớn” trong ngành cảng biển tiếp theo là Gemadept (HOSE: GMD) dù không còn lợi thế từ các khoản thu tài chính như năm ngoái, song mảng cốt lõi vẫn cho thấy sự khả quan. Doanh thu khai thác cảng tăng 27%, lên 1,27 nghìn tỷ đồng, cùng với lợi nhuận từ công ty liên kết - chủ yếu đến từ Cảng Gemalink, tiếp tục gia tăng. Mức lãi 403 tỷ đồng của GMD cũng ở mặt bằng cao nhất từ trước đến nay nếu không tính đến các khoản thu nhập bất thường.

Công ty Cổ phần Container Việt Nam là cổ phiếu cũng được giới đầu tư quan tâm khi doanh thu và lãi ròng tăng lần lượt 16% và 80% nhờ các công ty con như Cảng Xanh VIP (VGR), Cảng Xanh Greenport và Cảng Nam Hải Đình Vũ tiếp tục cải thiện về sản lượng.

Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) nổi bật về kết quả kinh doanh khi doanh thu gấp hơn 3 lần so với quý 1 năm ngoái, đạt 86 tỷ đồng. Ngoài khoản thu đột biến 50 tỷ đồng từ bán hàng hóa, doanh thu dịch vụ cảng tăng 74% là động lực chính giúp kết quả kinh doanh của DXP tăng 168%, lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Tiếp đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Cảng Cái Lân (UPCoM: CPI) ghi nhận doanh thu quý 1/2025 khởi sắc tăng hơn 83% lên hơn 18,3 tỷ đồng, trong đó riêng mảng dịch vụ cảng tăng 27%. Lợi nhuận của CPI đạt đỉnh cao nhất kể từ quý 4/2022.

Ở khu vực miền Trung, Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh (HNX: CCR_ và Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) hưởng lợi khi sản lượng thông qua cảng tiếp tục tăng. Theo đó, CCR báo lãi 5 tỷ đồng, tăng 32% và là mốc cao nhất trong vòng 3 năm, trong khi CDN thiết lập đỉnh mới.

Tại khu vực phía Nam, Công ty Cổ phần Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) ghi dấu ấn khi doanh thu tăng 13%, đạt hơn 354 tỷ đồng, với sản lượng container và hàng tổng hợp lần lượt tăng gần 14% và hơn 7%. Biên lãi gộp của PDN duy trì 40%, giúp PDL lập kỷ lục mới về hiệu quả kinh doanh …

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu ngành cảng biển phi mã như thời gian qua.

Theo các chuyên gia nhận định, mặc dù quý 1/2025 nhóm cổ phiếu ngành đã khởi đầu tích cực với sản lượng hàng hóa qua cảng tăng và nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục, ngành kho cảng vẫn đang đối diện với những rủi ro tiềm ẩn từ căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan của Mỹ.

Đó là việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày được xem là "cơ hội vàng" để các doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ đẩy mạnh giao hàng. Điều này dự kiến tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng trong quý 2/2025 của các nhóm ngành cảng biển. Tuy nhiên, nếu kịch bản áp thuế 46% chính thức xảy ra sau thời gian trì hoãn, tác động tiêu cực đến sản lượng hàng hóa và kết quả kinh doanh của nhóm này là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, việc Mỹ liên tục áp các mức thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc và các đối tác thương mại lớn như Canada, Mexico,… sẽ có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng của thương mại toàn cầu. Vì khi mức thuế nhập khẩu hàng hóa tăng lên sẽ dẫn đến giá trị hàng hóa tăng theo và giảm nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia. Việc gia tăng các khoản thuế sẽ khiến các hãng tàu phải xem xét cắt giảm tuyến vận tải đến Mỹ sẽ tác động tích cực trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp vận tải biển trong thời gian tới.

Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng nắm bắt các thông tin để kịp thời xử lý khi nắm giữ cổ phiếu nhóm cảng biển ở những thời điểm chính sách thuế quan chính thức được công bố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Mùa vàng” từ cổ phiếu cảng biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO