"Không thể có chuyện phạt 200 nghìn đồng với hành vi dâm ô. Cần phải để ở mức cao hơn như dự thảo luật là 2 triệu đồng, 5 triệu đồng, hoặc tối đa có thể cao hơn”.
Thượng tướng Lê Quý Vương đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp ngày 10/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, một số quy định về xử phạt hành vi quấy rối tình dục đang bị dư luật phản ứng. Từ đó, bà Nga cho rằng cần phải xem xét lại xem quy định như trong luật có đáp ứng được chưa và có nên sửa đổi hay không, sửa đổi thế nào?
Trong khi đó, góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng việc điều chỉnh mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực vi phạm hành chính đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Còn nhớ hồi tháng 3/2019, một nữ sinh 20 tuổi vào thang máy để lên căn hộ ở phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thì bị đối tượng Đỗ Mạnh Hùng (35 tuổi, quê Hải Phòng) buông lời tán tỉnh, xin số điện thoại nhưng nữ sinh này từ chối.
Ngay sau đó, cô gái bị gã này dồn vào góc thang máy, ôm và hôn. Sau khi sự việc xảy ra, nữ sinh này tới cơ quan công an trình báo.
Trung tuần tháng 3/2019, cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt Đỗ Mạnh Hùng - người đàn ông bị tố có hành vi sàm sỡ, cưỡng ép và ôm hôn cô gái trên với mức phạt 200 nghìn đồng, theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Trước đó, cũng diễn ra vụ một thầy giáo ở tỉnh Bắc Giang bị tố cáo sàm sỡ khi có những hành động phạm vào các vùng nhạy cảm của hàng chục nữ sinh lớp 5. Dù không ai chấp nhận hành vi của một người thầy “đụng chạm”, song người này không bị xử lý hình sự do chưa đủ căn cứ để chứng minh tội dâm ô.
Hoặc, chỉ vì bị quấy rối tinh dục bằng lời nói mà bé gái 9 tuổi hoảng sợ, đã có ý định nhảy khỏi xe grab, sau đó là nhiều ngày ám ảnh, sợ sệt. Thế nhưng sau khi thừa nhận sự việc, tài xế này chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn đồng – mức phạt chỉ bằng giá 1 cuốc xe. Tương tự như chuyện một cán bộ cấp phòng ở Quảng Trị cũng chỉ bị phạt 200 nghìn khi sàm sỡ đồng nghiệp tại phòng làm việc.
Những mức phạt kể trên đã khiến dư luận phản ứng gay gắt và cho rằng số tiền phạt đó quá ít, không đủ sức răn đe, thậm chí nhiều người cho mức phạt đó chỉ như làm trò cười.
Có thể bạn quan tâm
07:15, 25/08/2019
03:41, 05/04/2019
11:05, 04/04/2019
07:00, 11/02/2020
17:04, 10/02/2020
16:21, 10/02/2020
13:30, 10/02/2020
11:11, 10/02/2020
11:09, 10/02/2020
Đúng là, Bộ Luật Lao động 2012 của Việt Nam quy định cấm quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Đi kèm theo đó là các điều khoản như người lao động là nạn nhân của quấy rối tình dục được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Thế nhưng đã 7 năm sau, các quy định liên quan vấn đề này vẫn còn quá chung chung và việc áp dụng luật vào thực tiễn gặp nhiều khó khăn.
Đáng nói hơn, Luật còn thiếu cơ chế khiếu nại và chế tài. Như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam từng đề cập rằng: “Khung khổ luật pháp hiện nay thiếu định nghĩa và các chỉ số cụ thể để xác định xem loại hành vi nào tạo thành quấy rối tình dục. Do đó trên thực tế, rất khó ngăn ngừa và xử lý quấy rối tình dục và giải quyết vị phạm”.
Còn đối với những trường hợp đã bị xử phạt hành chính 200 nghìn đồng là căn cứ theo Điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP. Tức là, chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Trong Luật quy định rõ, tội dâm ô, quấy rối tình dục… là phải có hành vi xâm phạm vào cơ quan sinh dục của nạn nhân hay bắt nạn nhân phải có hành vi vào cơ quan sinh dục của thủ phạm. Theo các chuyên gia pháp luật, việc quy định rõ như vậy là bất cập và cứng nhắc nên dẫn tới việc khó xử lý các hành vi quấy rối tình dục.
Đối với Luật Xử lý vi phạm hành chính, sau 7 năm thi hành, Luật này đã không chỉ lạc hậu, lỗi thời mà còn chứa đựng trong nó rất nhiều những phi lý với mức phạt như trò đùa, xa rời cuộc sống khiến các quy định xử phạt tiền vừa được mang ra chế nhạo, vừa gây phẫn nộ bất bình trong dư luận, khiến các cơ quan quản lý bất lực.
Do đó, rất cần thiết phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn. Như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói khi cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Từ vụ xảy ra trong thang máy phạt có 200 nghìn đồng, báo chí, xã hội người ta nói quá nhiều thì chúng ta phải sửa. Ngày trước chúng ta quy định như vậy thì phải phạt đúng theo luật, không thể phạt cao hơn luật. Giờ nâng là phù hợp với thực tiễn và mong muốn của xã hội để răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm”.
Thiết nghĩ, tăng mức phạt rất quan trọng bởi nó sẽ hạn chế được hành vi xấu của con người, tuy nhiên, số tiền phạt dù là bao nhiêu cũng chỉ là việc xử lý khi hậu quả đã xảy ra. Điều quan trọng hơn, đó là phải phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Có như vậy, mới tăng cường được kỷ cương, đạo đức xã hội!