Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết với một số mục tiêu phát triển ngành đến năm 2022 như đạt 2 triệu tấn đường.
Cũng theo Nghị quyết này, tổng diện tích trồng mía nguyên liệu là 300.000ha. Năng suất mía bình quân 68 - 70 tấn/ha, chữ đường bình quân 11 - 12CCS.
Đặc biệt, ngành đặt mục tiêu sản lượng mía 21 triệu tấn, năng suất đường trên một đơn vị diện tích đạt 7 tấn/ha. Sản lượng đường khoảng 2 triệu tấn vào năm 2022. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, liệu mục tiêu này cuả ngành có khả thi?
Trong khi đó, theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017, thì bước vào niên vụ mới, tính đến ngày 15/4/2018, lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn.
Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại.
Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.400-12.000 đồng/kg).
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng kém. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu làm giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn.
Hàng tồn kho tăng cao là thực trạng chung của ngành đường Việt Nam hiện nay. Đơn cử, một trong những doanh nghiệp lớn ngành mía đường đã “ngấm đòn”, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa cũng ghi nhận giá trị hàng tồn kho thời điểm ngày 31/3 là gần 3.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ năm 2012 trở lại đây. Tại miền Bắc, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn cũng ghi nhận kinh doanh sụt giảm và tồn kho tăng cao.
Trao đổi với DĐDN, TS. Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, bên cạnh các giải pháp vĩ mô, việc phát triển các sản phẩm cạnh đường cũng là giải pháp hiệu quả để nâng cao chuỗi giá trị ngành đường. Cụ thể, một tấn mía cây có 0,3 tấn bã mía có thể sản xuất được 100-120 KWh, sau khi trừ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ có thể phát lên điện lưới khoảng 60-70 KWh.
Bên cạnh đó, còn có thể sản xuất thành các sản phẩm cồn ethanol, thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ, nhiệt điện, nước đóng chai… Đây là hướng đi hiệu quả để gia tăng lợi nhuận, qua đó tạo điều kiện giảm giá thành sản phẩm đường.
Trên thực tế, việc phát triển các sản phẩm cạnh đường cũng đã mang lại thành công lớn cho ngành đường nhiều nước trên thế giới như Úc, Brazil… Tại khu vực châu Á, Phillipines hiện cũng có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm vì ngoài đường, quốc gia này sẽ sản xuất thêm xăng sinh học.
Ở góc độ doanh nghiệp. ông Phạm Quanh Vinh-Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp mía đường. Đồng thời cũng kiến nghị các cấp chính quyền đồng hành, có những biện pháp hỗ trợ cho ngành mía đường như qui hoạch vùng mía nguyên liệu, đầu tư hệ giao thông và thuỷ lợi nội đồng nhằm giúp bà con nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất,thu hoạch mía.
Kiến nghị chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cụ thể để giúp nông dân trồng mía có thể thực hiện được việc dồn điền đổi thửa hình thành các cánh đồng mía lớn, hợp tác xã sản xuất lớn để có thể sử dụng cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch. Song song đó ngành chức năng cũng cần tăng cường phòng chống buôn lậu đường, tạo sân chơi công bằng cho doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đó cũng chính biện pháp nhằm bảo vệ ngành đường, bảo vệ nông dân trồng mía tồn tại trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.