Chính trị - Xã hội

Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng

Gia Nguyễn 23/05/2025 16:16

Đây là chia sẻ của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp Tổ ngày 23/5 về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, ngày 23/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 6 nội dung: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; Việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; Việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; Kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

thao-luan-to-23.5.2.jpg
Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tại phiên họp Tổ - Ảnh: Media Quốc hội

Bày tỏ quan tâm tới tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025, phát biểu tại Tổ, Chủ tịch Quốc Trần Thanh Mẫn điểm lại, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng tín dụng tích cực; thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán; an sinh xã hội được thực hiện tích cực, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc quyết tâm hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát, nhà tre lá trong tháng 10/2025…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một loạt khó khăn phải đối mặt trong những tháng còn lại của năm 2025 như: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Về mặt chủ quan, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ chậm. Sức mua, phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ. Người dân hoang mang, lo sợ vì hàng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan…

“Những điều này đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển kinh tế, xã hội, đòi hỏi không được phép chủ quan, lơ là. Theo đó, cần linh hoạt trong chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế. Chú trọng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Tăng cường xuất khẩu, bên cạnh củng cố thị trường truyền thống cần mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

thao-luan-to-23.5.1.jpg
Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp Tổ - Ảnh: Media Quốc hội

Đặc biệt, trước những bức xúc của dư luận về vấn đề hàng giả, hàng kém chất lượng gần đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) cũng như Ban chỉ đạo 389 tại các tỉnh cùng với các sở, ban, ngành liên quan phải tích cực vào cuộc, tăng cường quản lý thị trường, xử lý quyết liệt hơn nữa để người tiêu dùng tin tưởng, an tâm.

“Trong mấy tuần qua bắt nhiều tấn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Luật mình có, Ban chỉ đạo mình có từ Trung ương đến địa phương nhưng tại sao lại để hàng gian, hàng giả, hàng nhái diễn ra với số lượng lớn như thế. Vấn đề này mình phải kiểm điểm nghiêm túc. Với hơn 100 triệu dân chúng ta có thị trường nội địa rất lớn. Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, Quốc hội tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng với Chính phủ cải cách thể chế pháp luật mạnh mẽ, thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025. Quốc hội đã làm việc trên tinh thần hết sức tích cực, khẩn trương, ngay tại Kỳ họp thứ 9, hai Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW) được Quốc hội hết sức ủng hộ, thể chế hóa ngay thành Nghị quyết số 197 và Nghị quyết số 198 của Quốc hội.

“Chỉ trong chưa đầy 2 tuần sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết thì Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết thể chế hóa chủ trương của Đảng để triển khai thực hiện. Phải nói là lịch sử trong hoạt động của Quốc hội. Bây giờ khâu triển khai thực hiện làm sao cho tốt để từ nay tới 6 tháng cuối năm chúng ta phải đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Muốn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì hàng phải chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO