Muốn tăng lương hãy tinh gọn bộ máy!

Sông Hàn 06/01/2019 05:00

Sử dụng ngân sách để tăng lương đồng đều cho cán bộ, công chức nhà nước có nghĩa sẽ tăng cả lương cho những đối tượng hưởng lương kiểu ăn theo, như vậy là bất hợp lý.

Bộ Nội vụ đề xuất tăng mức lương cơ bản lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019

Bộ Nội vụ vừa lấy ý kiến công khai về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, Bộ này đề xuất tăng mức lương cơ bản lên 1,49 triệu đồng/tháng (tăng thêm 7,19%) từ ngày 1/7/2019

Kinh phí thực hiện dự kiến sử dụng từ các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; nguồn thu được để lại theo chế độ, hoặc sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư... Đặc biệt, Bộ Nội vụ đề xuất, ngân sách trung ương sẽ bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2019 cho các đơn vị.

Khách quan mà nói, phát triển kinh tế xã hội thì luôn cần vốn và việc bội chi ngân sách là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng vào giai đoạn này nếu ngân sách lại cắt thêm cho việc tăng lương cán bộ công chức thì chẳng khác gì kiểu “miệng ăn núi lở”. Đó là việc bất hợp lý!

Có thể bạn quan tâm

  • Tinh giản bộ máy không chỉ là giảm... con số

    11:53, 22/12/2018

  • Tinh giản biên chế: Hà Nội sẽ thực hiện theo nguyên tắc “2 ra, vào 1”

    00:20, 11/12/2018

  • Tinh giản biên chế: Khó đến bao giờ?

    07:30, 23/11/2018

  • “Tinh giản biên chế là căn cứ quan trọng để cải cách chính sách tiền lương”

    06:38, 15/11/2018

  • “Tách - nhập” và yêu cầu tinh giản

    11:01, 20/09/2018

  • Bổ sung trường hợp tinh giản biên chế

    19:19, 04/09/2018

  • Sắp xếp, tinh giản bộ máy: Cần quyết tâm cao!

    05:14, 31/08/2018

  • Tinh giản biên chế để tăng lương cán bộ: Ai sẽ ra khỏi bộ máy?

    09:43, 12/05/2018

  • Tinh giản biên chế: Khó nhưng không thể không làm

    05:31, 09/04/2018

Theo Bảng cân đối ngân sách Nhà nước năm 2018 mà Bộ Tài chính công bố thì bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP, gồm: bội chi ngân sách trung ương 195.000 tỷ đồng (tương đương 3,54%GDP), bội chi ngân sách địa phương 9.000 tỷ đồng (tương đương 0,16% GDP).

Bảng cân đối ngân sách nhà nước năm 2018 cũng cho thấy, tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2018 là 363.284 tỷ đồng. Mức vay này bao gồm vay để bù đắp bội chi (206.150 tỷ đồng) và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước (157.134 tỷ đồng).

Hơn nữa, bộ máy hành chính hiện nay đang có sự chồng chéo, nhiều tầng nấc và hoạt động còn kém hiệu lực, hiệu quả. Nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Trong khi, mấy chục năm qua, ít nhất cũng có vài đợt giảm biên chế, lần giảm biên gần nhất là lần chế độ, chính sách giảm biên rộng rãi, hào phóng nhất. Tuy nhiên, tất cả các đợt giảm biên đều không đạt mục tiêu, kết quả đề ra, mà Nhà nước còn mất một khoản chi đáng kể từ ngân sách.

Rất nhiều sáng kiến được đưa ra. Cái nào cũng thấy đúng cả, nên làm cả. Nhưng lạ một điều là mọi thứ sau đó cứ thế âm thầm trôi qua và đến kỳ họp sau của Quốc hội, khi bàn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thì lại được nghe lương công chức như vậy là không đủ sống, lỡ mấy lần chưa cải cách, lần này phải làm.

Việc tăng lương cho cán bộ, công chức là việc phải làm. Tuy nhiên, muốn tăng lương cho công chức, cần giảm số người hưởng lương trong ngân sách, đồng thời cắt nguồn chi cho các hiệp hội không thuộc biên chế Nhà nước. “Sử dụng ngân sách để tăng lương đồng đều cho cán bộ, công chức nhà nước cũng có nghĩa sẽ tăng cả lương cho những đối tượng hưởng lương kiểu ăn theo, như vậy là không hiệu quả và bất hợp lý. Vì, trong số 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, không phải tất cả đều có đóng góp cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế cũng như đóng góp cho nguồn thu ngân sách nhưng lại sử dụng ngân sách để tăng lương đồng đều cho tất cả đối tượng này thì không ngân sách nào có thể chịu nổi” - TS Đinh Sơn Hùng, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM nói.

Hy vọng trong tương lai gần, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy để hoạt động hiệu lực, hiệu quả sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Nói như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định: “Tinh giản biên chế là phải loại được cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, đến cơ quan chỉ uống nước, đọc báo”.

Đất nước chỉ có thể bật lên khi bộ máy cồng kềnh không còn là “đá tảng” kìm hãm sự phát triển. Nếu không tinh giản được biên chế, tinh gọn bộ máy thì Việt Nam mãi vẫn nghèo. Nếu cứ bám vào ngân sách để tăng lương thì e rằng không ổn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Muốn tăng lương hãy tinh gọn bộ máy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO