Doanh nghiệp

Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Xuất khẩu rau quả chủ động ứng phó

Thy Hằng 03/04/2025 11:43

Mỹ đang xuất siêu rau quả vào Việt Nam, Mỹ đang có lợi. Tuy nhiên doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, tính toán giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh.

Rạng sáng 3/4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký Sắc lệnh hành pháp, áp dụng mức thuế tối thiểu và bổ sung lên 180 thị trường nhập khẩu. Trong đó, đối với riêng Việt Nam, mức thuế theo công bố là 46%, thuộc top cao thế giới.

sau-rieng-466-3265-1743639565837-17436395661661492989828.jpeg
Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi chúng ta nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, doanh nghiệp cần bình tĩnh, chưa nên quá hoang mang, lo lắng vào lúc này vì Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế 46% cho tất cả các mặt hàng.

Trong khi đó, đối với ngành hàng rau quả, hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ nên chuyên gia tương đối lạc quan. “Tôi cho rằng ngành hàng rau quả sẽ không bị áp mức thuế này. Năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi chúng ta nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên nhận định.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T cũng cho rằng hình dung hiện nay còn mơ hồ về mức thuế 46% này đánh cụ thể vào mặt hàng, trong đó mặt hàng rau quả không biết mức thuế là bao nhiêu.

“Với riêng mặt hàng rau quả là Mỹ đang xuất siêu vào Việt Nam, do đó Mỹ đang có lợi. Kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Mỹ năm 2024 chỉ 360,41 triệu USD. Ngoài ra có hạt điều đạt giá trị 1,15 tỷ USD, cà phê 322,83 triệu USD, hàng thủy sản 1,83 tỷ USD”, ông Tùng đồng nhận định.

Bản sao thanh-long-xuat-khau-1695632596638899738646
Mỹ vẫn là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, Tổng Thư ký Vinafruit cho rằng các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.

Về phần doanh nghiệp, ông Tùng mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng làm việc với Chính phủ Mỹ để làm rõ mặt hàng nào là thặng dư thương mại, mặt hàng nào Mỹ đang được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận xuống để bù vào thuế để thị trường không bị sốc. “Ví dụ đang lời 15% thì mình sẽ lấy lợi nhuận để bù vào thuế, giúp khách hàng không quá sốc, Đồng thời chuyển hướng tìm những thị trường mới. Nói chung là phải tuỳ cơ ứng biến, xem bước tiếp theo của ông Trump là gì”, ông Tùng kiến nghị.

Đồng thời cho rằng Mỹ đang muốn tìm cách “chặn đứng” các dấu hiệu cho rằng Việt Nam, hay Campuchia, Thái Lan sẽ trở thành “sân sau” của Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp “né thuế”. Vì thế chúng ta phải chứng minh rằng Việt Nam là đối tác đáng tin cậy, nhờ vào tình cảm, sự ủng hộ để ngồi vào đàm phán thay vì những con số cứng nhắc cũng như là chuyện cân bằng cán cân thương mại.

Xuất khẩu rau quả trong 2 tháng đầu năm sang thị trường Mỹ đạt 65 triệu USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ nhóm các mặt hàng nông sản đang là thế mạnh của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ áp thuế 46% với Việt Nam: Xuất khẩu rau quả chủ động ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO