Thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao hơn 9 năm trong tháng 1/2018 và dự kiến vẫn ở mức cao trong tháng 2. Đây là một trong những lý do mà Tổng thống Mỹ áp thuế suất cao đối với thép, nhôm nhập khẩu vào quốc gia này.
Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 5% lên mức 56,6 tỷ USD trong tháng 1/2018, đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 và là mức tăng tiếp theo của tháng 12/2017 là 53,9 tỷ USD.
Trước đó, kết quả khảo sát của Reuters cho biết, thâm hụt thương mại của Mỹ có thể đạt 55,1 tỷ USD trong tháng 1 so với dự báo trước đó là 53,1 tỷ USD. Sở dĩ thâm thụt thương mại của Mỹ tăng mạnh là do giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng.
Riêng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 1 đã tăng 16,7% lên mức 36 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2015, chiếm tới 63,6% tổng mức thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong khi đó, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Canada cũng tăng lên mức cao nhất trong 3 năm qua.
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã liên tục tăng mạnh sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Mỹ. Ông Trump từng cảnh báo rằng, nước Mỹ đã và đang bị các đối tác thương mại lợi dụng. Chính vì vậy, ông Trump đã quyết định áp thuế suất cao đối với tấm năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu từ Trung Quốc. Và trong tuần này, Tổng thống Mỹ lại quyết định áp thuế suất 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ tất cả quốc gia, trừ Canada và Mexico, để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước và góp phần làm giảm thâm hụt thương mại của quốc gia này.
Đến nay, Mỹ đã cam kết miễn thuế nhập khẩu thép, nhôm nói trên đối với Australia. Hiện tại, Liên minh châu Âu, Nhật và một số quốc gia khác đang yêu cầu Mỹ miễn loại thuế này, nhưng chưa đạt được kết quả. Trong khi đó, các Hiệp hội nghề nghiệp tại Trung Quốc đang kiến nghị Chính phủ áp dụng các biện pháp trả đũa đối với Mỹ.
Việc áp thuế suất nhập khẩu cao của chính quyền Trump cũng nằm trong chính sách “nước Mỹ là trên hết” nhằm kích thích sản xuất trong nước để phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 3%.
Động thái này kết hợp với gói kích thích tài khóa trị giá 1,5 nghìn tỷ USD đã và đang hỗ trợ tích cực cho thị trường lao động Mỹ, qua đó làm tăng nhu cầu hàng hóa nhập khẩu. Như vậy, chính quyền Trump có thể sẽ tiếp tục mạnh tay hơn nữa với chính sách thuế nhập khẩu trong thời gian tới để cắt giảm thâm hụt thương mại của quốc gia này.
Vòng luẩn quẩn này không những không giúp Mỹ giảm mạnh thâm hụt thương mại, mà còn có nguy cơ gây ra cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác thương mại, đặc biệt là Trung Quốc.