Việc các nhà đầu tư Mỹ lựa chọn đầu tư vào Việt Nam thông qua bên thứ ba như Singapore cho thấy những cải cách thể chế cần mạnh mẽ hơn nữa để những tương thích tạo thu hút đầu tư.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Singapore là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2020, với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, phải kể đến là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỉ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG.
Đáng nói, nhiều chuyên gia kinh tế từng đề cập rằng Singapore là quốc gia “trung gian” đưa dòng vốn Mỹ vào Việt Nam. Nói cách khác, các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào một tổ chức ở một quốc gia khác như Singapore, sau đó tổ chức hay công ty này mới đầu tư vào Việt Nam.
"Hiện nay, Singapore đang là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các khoản đầu tư thực chất không phải của Singapore, mà là từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thông qua các tổ chức trung gian hoặc thông qua các tổ chức mà họ thành lập ở Singapore", ông Ken Atkinson, Nhà sáng lập, Tư vấn cấp cao Hội đồng quản trị Grant Thornton Vietnam, đồng thời là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Tư vấn Du lịch (TAB) và Thành viên Hội đồng quản trị Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam cho biết.
Đồng quan điểm, TS Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT cho biết, các nhà đầu tư đang có ý định vào Việt Nam thường cân nhắc đầu tư thông qua một công ty mẹ đặt tại Singapore.
Theo TS Burkhard Schrage, lý do chính để làm điều này có liên quan đến hiệu quả pháp lý và hoạt động. Từ góc độ pháp lý hoặc quy định, các giao dịch như thay đổi hoặc thêm cổ đông ở Singapore đơn giản và nhanh chóng hơn ở Việt Nam.
“Ví dụ, việc một công ty bán cổ phần cho các nhà đầu tư mới có thể được thực hiện trong vài giờ ở Singapore, trong khi quy trình đó sẽ kéo dài hàng tuần ở Việt Nam. Do có hiệp định chống đánh thuế hai lần giữa hai nước nên không có gánh nặng thuế bổ sung nào phát sinh, nhưng chắc chắn Singapore không phải là “thiên đường thuế” giống như một số địa điểm khác thường xuất hiện nổi bật trong bảng danh sách đầu tư nước ngoài”, ông Burkhard Schrage lấy ví dụ.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Du Lịch cho rằng, sự không tương thích về mặt thể chế, chính sách giữa hai bên chính là lý do khiến vốn FDI từ Mỹ vào Việt Nam vẫn rất thấp trong nhiều năm qua. Vì thế, muốn có dòng vốn tốt từ Mỹ, Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ.
Rõ ràng, để thu hút các khoản đầu tư chất lượng từ Mỹ, Việt Nam còn nhiều việc phải làm nếu không muốn để vuột mất một cơ hội lớn. Thực tế, trong “Mạng lưới thịnh vượng kinh tế”, chỉ có Ấn Độ là thuộc nhóm các nước đang phát triển như Việt Nam, ngoài ra là các nước phát triển. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam phải cạnh tranh với hàng loạt quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan trong thu hút đầu tư từ Mỹ và châu Âu.
Các tập đoàn lớn hàng đầu của Mỹ có sức ảnh hưởng rất lớn trên toàn cầu. Nếu không nhanh nhạy, rõ ràng Việt Nam có thể để vuột mất cơ hội đón dòng vốn chất lượng từ Mỹ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng, các công ty Mỹ rất chú trọng cân nhắc về khuôn khổ pháp lý, chi phí để tuân thủ các điều kiện, đặc biệt là mức độ nhất quán giữa các luật lệ, quy định, kèm các ưu đãi về thuế và đất đai...
Do đó, chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện một số cải cách cơ cấu cần thiết về hiệu quả hành chính, quy tắc quản trị doanh nghiệp, quy trình pháp lý và cả một đội ngũ lao động trình độ cao trong nhiều lĩnh vực khác nhau trước khi có thể sánh ngang với Singapore như là một trung tâm FDI.
“Việt Nam phải nghiêm túc xem lại năng lực quốc gia trong lĩnh vực nhân lực, hậu cần hay marketing. Điều này đòi hỏi phải rà soát lại hệ thống giáo dục ở nhiều cấp độ. Đồng thời cũng cần đưa ra các biện pháp khuyến khích có hệ thống hơn để thu hút nhân tài nước ngoài vào Việt Nam, hoặc có các ưu đãi có mục tiêu để thu hút đầu tư vào các hoạt động cụ thể”, TS Burkhard Schrage đề xuất.
Bên cạnh đó, vị đại diện Đại học RMIT cho rằng, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng có thể tích cực theo đuổi chính sách xây dựng các cụm công nghiệp.
Trong khi đó, GS Võ Đại Lược góp ý, Việt Nam cần có chính sách và cơ chế rõ ràng trong việc tiếp nhận những dòng vốn từ nước ngoài nhưng không ưu đãi theo kiểu “dàn hàng ngang” với tất cả các dự án FDI; chỉ ưu đãi với doanh nghiệp nào đem công nghệ tốt vào Việt Nam, cam kết chuyển giao công nghệ.
"Đây là cách Singapore đã thực hiện và Việt Nam nên học tập để doanh nghiệp sản xuất trong nước không bị chèn ép mà vẫn thu hút được dòng vốn chất lượng cao từ châu Âu, Mỹ, loại bỏ dòng vốn xấu, kém chất lượng" - ông nói.
Có thể bạn quan tâm
11:30, 20/10/2020
15:00, 10/10/2020
11:00, 01/10/2020
19:00, 26/09/2020
19:00, 23/09/2020