Bộ Thương mại Mỹ đề xuất mức thuế bán phá giá từ 21,31% đến 271,2% với tấm pin năng lượng mặt trời từ các nước Đông Nam Á.
Theo kết quả ban đầu từ cuộc rà soát của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, các sản phẩm năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Đông Nam Á đang bị bán phá giá tại Hoa Kỳ với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất. Để đối phó với tình trạng này, các mức thuế lên tới 271% đã được đề xuất áp dụng.
Phán quyết sơ bộ được công bố gần đây đánh dấu một chiến thắng nữa cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời của Mỹ, những người cho rằng những mặt hàng nhập khẩu giá rẻ này đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của họ và làm suy yếu các khoản đầu tư của chính phủ nhằm củng cố chuỗi cung ứng trong nước.
Vấn đề đang được tranh cãi là việc nhập khẩu các sản phẩm tế bào quang điện silicon tinh thể – và các mô-đun được sản xuất từ chúng – từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam, các quốc gia hiện đang cung cấp phần lớn thiết bị này cho thị trường Hoa Kỳ.
Những quốc gia này cung cấp phần lớn lượng tế bào quang điện và mô-đun nhập khẩu cho Mỹ. Những phát hiện sơ bộ từ một cuộc điều tra riêng biệt nhưng có liên quan rằng các mặt hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á đang được hưởng lợi không công bằng từ các khoản hỗ trợ của chính phủ.
Theo quyết định được đưa ra mới đây, các sản phẩm nhập khẩu từ Campuchia sẽ chịu mức thuế là 117,1%. Đối với Malaysia, mức thuế đánh giá ban đầu dao động từ 17,8% đối với các sản phẩm của Jinko Solar Technology đến 81,2% đối với các nhà cung cấp khác.
Công ty Hanwha Q Cells Malaysia được đánh giá sơ bộ là không có biên độ bán phá giá, do đó được miễn thuế.
Hàng nhập khẩu từ nhiều nhà xuất khẩu tại Việt Nam, bao gồm JA Solar Vietnam, Jinko Solar (Vietnam) Industries Company, Boviet Solar Technology và Trina Solar Energy Development Company, phải chịu mức thuế dao động từ 53,2% đến 56,4%. Các nhà xuất khẩu tại Việt Nam không được Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ trong thông báo phải chịu mức thuế là 271,3%.
Các cuộc điều tra đại diện cho nỗ lực mới nhất của các nhà sản xuất Hoa Kỳ nhằm đối đầu với các đối thủ ở nước ngoài. Sau khi các mức thuế tương tự được áp dụng đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Trung Quốc cách đây khoảng 12 năm, các nhà sản xuất Trung Quốc đã phản ứng bằng cách thiết lập hoạt động tại các quốc gia châu Á khác không bị ảnh hưởng bởi thuế quan.
“Với những kết quả sơ bộ này, chúng tôi đang tiến gần hơn đến việc giải quyết vấn đề thương mại không công bằng đã kéo dài hàng nhiều năm, và bảo vệ hàng tỷ USD tiền đầu tư vào sản xuất năng lượng mặt trời và chuỗi cung ứng mới của Hoa Kỳ”, Tim Brightbill, đối tác tại Wiley Rein cho biết.
Ông Brightbill cũng nói thêm rằng, đề xuất về mức thuế ban đầu này phù hợp với kỳ vọng của các nhà sản xuất về tình hình thị trường và làm hạn chế các hoạt động thương mại không công bằng đã phá hoại hoạt động sản xuất và việc làm của Hoa Kỳ.
Được biết, các vụ khiếu nại của những nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ một số nhà sản xuất nước ngoài và các nhà phát triển năng lượng tái tạo trong nước, với lý do thuế quan mang lại lợi thế không công bằng cho các nhà sản xuất tấm pin lớn đang hoạt động tại Mỹ trong khi làm tăng chi phí cho các dự án điện mặt trời.
Các chuyên gia nhận định, tương lai của ngành công nghiệp pin mặt trời ở Đông Nam Á trở nên mờ mịt khi đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao ngất ngưỡng mà chính phủ Mỹ dự kiến thực hiện trong thời gian tới.
Ông Yana Hryshko, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời toàn cầu của hãng tư vấn Wood Mackenzie cho biết, các nhà sản xuất tại Đông Nam Á đang chờ mức thuế mới của Mỹ như thế nào trước khi quyết định xem có cần di dời dây chuyền sản xuất hay không.
Quyết định cuối cùng từ cả hai cuộc điều tra thương mại dự kiến sẽ được Mỹ đưa ra vào tháng 4 năm sau và mức thuế đánh giá sơ bộ có thể được tăng, giảm hoặc bác bỏ hoàn toàn do kết quả của các cuộc điều tra.