Mỹ nói gì về Luật Hải cảnh của Trung Quốc?

BẢO LAM 20/02/2021 16:03

Mỹ cho rằng, Luật Hải cảnh của Trung Quốc có thể làm leo thang các tranh chấp hàng hải và có thể làm gia tăng những tuyên bố chủ quyền phi lý.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/1/2021 đã ký lệnh ban hành Luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài, sau khi dự luật này được Quốc hội nước này thông qua.

Cụ thể, Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể dùng các loại vũ khí khác nhau, bao gồm vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tàu hoặc từ trên không.

Theo Luật hải cảnh được Trung Quốc thông "hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí" khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp.

"Các trường hợp lực lượng này sử dụng những loại vũ khí khác nhau gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hoặc từ trên không; cho phép thành viên lực lượng được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền". - Luật Hải cảnh Trung Quốc nêu. Đáng chú ý, đạo luật này cũng trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: Reuters

Mới đây, cho ý kiến về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay Washington quan ngại về ngôn ngữ trong luật, rõ ràng gắn việc sử dụng vũ lực tiềm tàng, bao gồm cả vũ trang của hải cảnh Trung Quốc với việc thực thi các yêu sách của Trung Quốc cùng các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải đang diễn ra ở biển Đông và biển Hoa đông.

Ông Price cho rằng từ ngữ được sử dụng trong Luật Hải cảnh có ngụ ý mạnh mẽ luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng trên biển của Trung Quốc. “Chúng tôi càng quan ngại hơn về việc Trung Quốc có thể viện dẫn bộ luật mới để khẳng định các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông, vốn đi ngược lại với phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016”, ông  Price nói.

Ông Price cũng nhắc lại việc Tòa trọng tài quốc tế đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vào năm 2016. Theo đó, phán quyết của tòa đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm cái gọi là “đường chín đoạn”. Bởi theo Tòa trọng tài quốc tế, đây là tuyên bố chủ quyền không có cơ sở pháp lý.

Phán quyết cũng nhắc tới việc Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines. Phán quyết lên án hành động Trung Quốc xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích và khẳng định không công nhận và thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.

Ông Price cho biết Mỹ tái khẳng định tuyên bố vào tháng 7 năm ngoái, ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc là "hoàn toàn phi pháp".

Phát ngôn viên nói thêm rằng Mỹ "giữ vững lập trường" trong các cam kết liên minh với Nhật Bản và Philippines. Trước đó, tân Ngoại trưởng Antony Blinken cũng bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh của Trung Quốc trong cuộc điện đàm với người đồng nhiệm Nhật Bản Toshimitsu Motegi.

Tàu hải quân Indonesia chạm trán tàu hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters.

Tàu hải quân Indonesia chạm trán tàu hải cảnh Trung Quốc hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng trước, Philippines cũng đã gửi công hàm phản đối luật hải cảnh Trung Quốc sau khi nó được thông qua. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cũng gọi đây là lời đe dọa chiến tranh với bất cứ quốc gia nào từ chối đạo luật.

Kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, Washington thực hiện một loạt động thái ở Biển Đông như điều tàu sân bay vào khu vực, thực hiện hoạt động tự do hàng hải, báo hiệu cho Trung Quốc rằng họ sẽ duy trì chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm. 

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh: Các quốc gia ASEAN cần làm gì?

    05:00, 31/01/2021

  • Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc "thách thức" ASEAN và Mỹ

    12:00, 30/01/2021

  • Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc tự “phá huỷ niềm tin” của các nước trong khu vực

    09:00, 30/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ nói gì về Luật Hải cảnh của Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO