Theo chuyên gia, SEC đang làm cho một số altcoin gần như không thể tồn tại và điều đó thực sự đang thúc đẩy một số nhà giao dịch tiền điện tử quay trở lại với Bitcoin.
>>Giải mã bối cảnh toàn cầu về việc chấp nhận tiền điện tử
Trong hai ngày đầu tuần, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) đã kiện hai nền tảng tiền điện tử lớn nhất thế giới là Binance và Coinbase. Điều này cho thấy sự leo thang mạnh mẽ của cuộc trấn áp đối với thị trường tiền điện tử tại Mỹ.
Siết quy định tại Mỹ
Nếu thành công, các vụ kiện có thể biến đổi thị trường tiền điện tử bằng cách khẳng định quyền tài phán của SEC đối với ngành, mà trong nhiều năm đã lập luận rằng các mã thông báo không cấu thành chứng khoán và không nên được điều chỉnh bởi SEC.
Kevin O'Brien, một đối tác tại Ford O'Brien Landy cho biết: "Hai trường hợp khác nhau, nhưng chồng chéo lên nhau và có cùng một hướng, chiến dịch ngày càng tích cực của SEC nhằm đưa tiền điện tử vào phạm vi quản lý của luật chứng khoán liên bang. Nếu SEC chiếm ưu thế trong cả hai trường hợp, ngành công nghiệp tiền điện tử sẽ được chuyển đổi."
Trong đơn khiếu nại gửi lên tòa án liên bang Manhattan, SEC cho biết Coinbase đã kiếm được ít nhất hàng tỷ USD kể từ năm 2019, bằng cách hoạt động như một người trung gian trong các giao dịch tiền điện tử, đồng thời trốn tránh các yêu cầu tiết lộ thông tin nhằm bảo vệ các nhà đầu tư.
Cụ thể, Coinbase đã giao dịch ít nhất 13 tài sản tiền điện tử là chứng khoán phải được đăng ký, bao gồm các mã thông báo như Solana (SOL), Cardano (ADA) và Polygon (MATIC).
Theo ước tính ban đầu từ công ty dữ liệu Nansen, Coinbase đã phải chịu khoảng 1,28 tỷ USD tiền rút ròng của các khách hàng sau vụ kiện. Cổ phiếu của công ty mẹ của Coinbase - Coinbase Global In cũng đóng cửa giảm 7,10 USD tương đương 12,1%, ở mức 51,61 USD sau đó. Paul Grewal, cố vấn chung của Coinbase, trong một tuyên bố cho biết công ty sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường và đã "thể hiện cam kết tuân thủ".
Tương tự với Binance, SEC đã cáo buộc sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới thổi phồng khối lượng giao dịch, chuyển hướng tiền của khách hàng, trộn tài sản không đúng cách, không hạn chế khách hàng Hoa Kỳ khỏi nền tảng của mình và gây hiểu lầm cho khách hàng về các biện pháp kiểm soát của họ.
Công ty dữ liệu Nansen cho biết, khách hàng đã rút được khoảng 790 triệu USD từ Binance và chi nhánh tại Hoa Kỳ sau vụ kiện. Vào thứ Ba, SEC đã đệ trình một kiến nghị đóng băng tài sản thuộc Binance.US (chi nhánh của Binance tại Hoa Kỳ, trụ sở chính của công ty tại Quần đảo Cayman).
Sau khi SEC đệ trình kiến nghị, Binance.US trấn an khách hàng rằng, tài sản người dùng của họ sẽ vẫn an toàn và nền tảng sẽ tiếp tục các hoạt động gửi - rút tiền bình thường. Binance nói thêm, họ sẽ tự bảo vệ mình trước tòa và gọi bước đi của SEC là “không chính đáng”.
Không riêng SEC, Binance còn đang phải đối mặt với các hành động pháp lý của Hoa Kỳ bởi Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) và Bộ Tư pháp nước này.
Trước các vụ kiện, nhiều công ty tiền điện tử đã bác bỏ rằng các mã thông báo đáp ứng định nghĩa về chứng khoán, các quy tắc của SEC khá mơ hồ và SEC đang vượt quá thẩm quyền của mình trong việc cố gắng điều chỉnh chúng. Song, không ít công ty đã cố gắng tăng cường sự tuân thủ, bằng cách tạm dừng các sản phẩm và không mở rộng ra bên ngoài đất nước để đối phó với cuộc đàn áp.
>>Các sàn giao dịch tiền điện tử "thúc giục" về một quy định rõ ràng
Trước các sự việc trên, Cathie Wood - Giám đốc điều hành của Ark Invest nhận định, các vấn đề pháp lý tại Hoa Kỳ của Binance Holdings Ltd sẽ có lợi cho Coinbase Global Inc, vì nó sẽ loại bỏ sự cạnh tranh lớn trong ngành.
Chia sẻ với Bloomberg, bà Cathie Wood nhận xét: “Chúng tôi thấy Binance đang chịu sự giám sát ngày càng tăng của cơ quan quản lý trên nhiều hoạt động mang tính vi phạm hơn, gian lận là một trong số đó. Như vậy, sự cạnh tranh đối với Coinbase đang biến mất và đó có thể là một điều tốt trong dài hạn cho Coinbase.
Thực tế, Coinbase không bị cáo buộc về bất kỳ hoạt động tội phạm nào. Những câu hỏi như bảo mật là gì, đặt cược ra sao,... thì cả hai sàn giao dịch đều đang phải đối mặt, nhưng hầu hết các câu hỏi khác với Binance lại không liên quan gì đến Coinbase”.
Vị giám đốc điều hành Ark Invest cũng bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu 1 triệu USD của mình đối với Bitcoin, rằng nền kinh tế toàn cầu càng không chắc chắn và biến động thì niềm tin của Ark vào mã thông báo càng tăng.
“Chúng ta vừa trải qua một đợt lạm phát đáng sợ, nó được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng và Bitcoin là một hàng rào chống lại lạm phát. Bây giờ, chúng tôi cũng tin rằng rủi ro lớn hơn là giảm phát chứ không phải lạm phát. Bitcoin sẽ hoạt động tốt vì nó là liều thuốc giải cho rủi ro đối tác trong hệ thống tài chính truyền thống”, bà Cathie Wood nói.
Tương đồng quan điểm, nhà phân tích thị trường cấp cao của Oanda, Ed Moya bình luận, SEC có vẻ như đang chơi trò Whac-A-Mole (trò chơi đập chuột) với các sàn giao dịch tiền điện tử. Bởi vì hầu hết các sàn giao dịch đều cung cấp một loạt các mã thông báo, hoạt động trên các giao thức chuỗi khối được nhắm mục tiêu bởi các nhà quản lý và có vẻ như đây mới chỉ là bắt đầu.
Trong khi đó, Bitcoin - tiền điện tử hàng đầu dường như đã được hưởng lợi từ cuộc trấn áp mạnh mẽ này. Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng là 25.350 USD/BTC sau vụ kiện của Binance vào ngày thứ 2, Bitcoin đã phục hồi hơn 2.000 USD ngay sau đó và hiện đang giao dịch quanh mốc 26.400 USD/BTC vào chiều ngày 8/6.
“SEC đang làm cho một số altcoin gần như không thể tồn tại và điều đó thực sự đang thúc đẩy một số nhà giao dịch tiền điện tử quay trở lại với Bitcoin”, Chuyên gia của Oanda giải thích.
Trái ngược với các tài sản khác như hàng hóa, chứng khoán được quản lý chặt chẽ và yêu cầu công bố thông tin chi tiết để thông báo cho các nhà đầu tư về những rủi ro tiềm ẩn. Đạo luật Chứng khoán năm 1933 đã đưa ra định nghĩa về thuật ngữ "chứng khoán", tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng dựa vào hai vụ kiện của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ để xác định xem một sản phẩm đầu tư có phải là chứng khoán hay không.
Chủ tịch SEC Gary Gensler từ lâu đã nói rằng, các mã thông báo cấu thành chứng khoán và đã dần dần khẳng định quyền lực của mình đối với thị trường tiền điện tử, ban đầu tập trung vào việc bán mã thông báo và các sản phẩm tiền điện tử có lãi suất. Gần đây hơn, nó đã nhắm đến đại lý môi giới tiền điện tử chưa đăng ký, giao dịch trao đổi và hoạt động thanh toán bù trừ.
Mặc dù một số công ty tiền điện tử được cấp phép làm hệ thống giao dịch thay thế, một loại nền tảng giao dịch được các nhà môi giới sử dụng để giao dịch chứng khoán niêm yết, nhưng không có nền tảng tiền điện tử nào hoạt động như một sàn giao dịch chứng khoán toàn diện. Cũng trong năm nay, SEC đã kiện Beaxy Digital và Bittrex Global vì không đăng ký làm sàn giao dịch, nhà thanh toán bù trừ và nhà môi giới.
Trả lời CNBC, ông Gary Gensler nhấn mạnh: "Toàn bộ mô hình kinh doanh được xây dựng dựa trên sự không tuân thủ luật chứng khoán Hoa Kỳ và chúng tôi đang yêu cầu họ tuân thủ”.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 31/05/2023
12:00, 08/05/2023
04:50, 27/04/2023
05:05, 14/03/2023