Một Hội nghị Thượng đỉnh để giải quyết mọi thứ trên bàn đàm phán là thượng sách với đôi bên. Nhưng chỉ với 2 ngày - 48 giờ ít ỏi, Mỹ - Triều có thu xếp ổn thỏa mâu thuẫn đã tồn tại gần 70 năm nay?
Trang Facebook cá nhân của Tổng thống Mỹ đã phát đi thông tin về địa điểm diễn ra cuộc gặp cấp cao nhất lần thứ 2 giữa ông và lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un.
Nếu lần gặp thứ nhất tại Singgapore khiến giới quan sát quốc tế tò mò họ sẽ đối diện với nhau thế nào, vì trước đó không lâu hai nhân vật từng tuyên bố hết sức hùng hồn “không nhân nhượng, kể cả chiến tranh”. Thì lần này, tại Hà Nội, ông Trump và Kim chỉ có 2 ngày (27 và 28/2) để giải quyết những vấn đề cụ thể. Hiển nhiên, hai bên không có quá nhiều thời gian để làm hao tổn giấy mực của báo chí.
Hình thành đường biên ở vĩ tuyến 38
Năm 1945, khi quá nhiều lực lượng có mặt trên bán đảo Triều Tiên, hai vị đại tá Mỹ là Dean Rusk (sau ngày là Ngoại trưởng Mỹ) và Bonesteel nảy ra ý định phân chia hai miền bằng địa lý.
Vì thế, đường phân giới tại vĩ tuyến 38 độ được vẽ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, sử dụng một bản đồ của Hội địa lý Quốc gia Hoa Kỳ để tham khảo. Từ khi thế chiến thứ II kết thúc, phát xít Nhật thua trận bỏ chạy khỏi bán đảo Triều Tiên khiến nơi này trở nên rắc rối.
Mỹ nhảy vào đóng quân ở phía Nam vĩ tuyến 38, không lâu sau đó Đại Hàn Dân Quốc được thành lập theo chính thể tư bản sau một cuộc bầu cử dân chủ.
Phía Bắc vĩ tuyến 38 là sự hiện diện của Liên Xô nhằm bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa. Cuối năm 1948 Đảng Cộng sản Triều Tiên do Kim Nhật Thành đứng đầu đã thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Mỹ bảo vệ Nam Hàn; Liên Xô và Trung Quốc cùng hậu thuẫn cho Bắc Hàn, thế giằng co cứ thế tồn tại cho đến ngày nay.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 09/02/2019
14:04, 11/06/2018
16:31, 12/05/2018
Ngày 25/6/1950 hơn 100 ngàn binh lính Bắc Hàn vượt qua vĩ tuyến 38 tiến về phía Nam mở đầu nội chiến hai miền, tháng 10 năm đó quân đội Bắc Hàn bị đẩy lùi sát biên giới Trung Quốc. Tháng 11/1950, 22 máy bay ném bom B29 oanh tạc Bắc Triều, 75% thành phố bị phá hủy.
Nhận thấy mối nguy, Liên Xô và Trung Quốc nhảy vào tham chiến, trong khi đó Lầu Năm Góc lệnh rút quân khỏi Nam Hàn. Tháng 10/1953 Hiệp định ngưng bắn được ký kết giữa các bên.
Vì thế, trên lý thuyết nội chiến hai miền vẫn chưa kết thúc. Xung đột quy mô nhỏ vẫn diễn ra, hai bên tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh và có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến. Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì khá nhiều quân số tại Hàn Quốc để ngăn chặn việc Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc một lần nữa.
Thập niên 70, Mỹ - Triều lại vướng vào khủng hoảng ngoại giao trầm trọng hay còn gọi là “khủng hoảng Pueblo”: Một tàu do thám Mỹ bị bắt tại Triều Tiên, 83 người bị bắt giam.
Năm 2002, Tổng thống Bush liệt kê Triều Tiên bên cạnh Iran và Iraq vào danh sách “trục ma quỷ” do những nghi vấn về chương trình làm giàu urannium mục đích phát triển vũ khí hạt nhân.
Ít lâu sau, Triều Tiên tuyên bố phá vỡ hiệp định về chương trình hạt nhân đã ký với Mỹ và chỉ trích Tổng thống Bush là “kẻ độc tài” tàn độc hơn cả Hitler và “một chính trị gia tay mơ”.
“Khẩu chiến” Kim - Trump
Năm 1994, Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter có cuộc hội đàm lịch sử với Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng. Mấy tháng sau người sáng lập Triều Tiên qua đời.
Con trai là Kim Jong - il lên nắm quyền, ký kết hiệp định song phương với Mỹ đồng ý giải giáp chương trình hạt nhân. Năm 2011, Kim Jong - il qua đời, con trai ông là Kim Jong - un trở thành lãnh đạo tối cao tại Triều Tiên khi mới 29 tuổi.
Dưới triều đại của thế hệ thứ 3 nhà họ Kim, các cuộc thử tên lửa đạn đạo được tiến hành mới mật độ dày đặc, tên lửa Pukguksong-2, Hwasong-12, Hwasong-14, Scud, KN-09… lần lượt bắn đi kèm theo đó là thái độ giận dữ của Washington. Đỉnh điểm trong năm 2017, Bình Nhưỡng tiến hành 16 vụ thử tên lửa, có 3 vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và 2 lần bay qua lãnh thổ Nhật Bản.
Triều Tiên được cho sở hữu kho vũ khí hạt nhân đáng kể và hạm đội tàu ngầm nhiều nhất thế giới. Sau những vụ thử vũ khí thành công, Kim Jong-un tuyên bố rằng: “Toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của chúng tôi”.
Đáp lại, trong lần đầu tiên phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Trump đe dọa “xóa sổ hoàn toàn Triều Tiên”.
Những gì Mỹ đã làm ở Iran và Irag trước đó khiến cộng đồng quốc tế lo ngại một phiên bản mới ở Triều Tiên châm ngòi thế chiến thứ III vì sẽ động đến Trung Quốc và Nga. Khi tên lửa đạn đạo Triều Tiên bay ngang lãnh thổ Nhật Bản lần thứ nhất, Trump đe dọa “đối thoại với Triều Tiên không phải là giải pháp”.
Cố vấn an ninh Nhà trắng, John Bolton thậm chí đề xuất “việc Mỹ tự vệ bằng cách tấn công Triều Tiên trước là điều hoàn toàn hợp pháp” và đòi “áp dụng mô hình Lybia cho Triều Tiên”. Đấy là lý do khiên ông Bolton bị loại khỏi cuộc gặp lần thứ nhất giữa ông Kim và ông Trump hồi tháng 6 năm ngoái.
Thượng đỉnh lần nhứ nhất tại Singgapore suýt nữa bị hủy vì Bình Nhưỡng gọi ông Mike Pence (Phó Tổng thống Mỹ) là “kẻ ngu ngốc”. Trước đó, Lầu Năm Góc đã điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến sát biên giới Triều Tiên, về phía mình, ông Kim liên tục thị sát các đơn vị quân đội.
Có những thời điểm tưởng chừng xung đột vũ trang Mỹ - Triều sẽ diễn ra, nhưng rất may, “sứ giả” Moon Jae in xuất hiện đúng lúc để làm dịu tình hình.
Hai ngày ít ỏi ở Hà Nội
Ngày 27 và 28/2, D. Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau tại Hà Nội, 48h đồng hồ là quãng thời gian quá ít ỏi để đôi bên có thể giải quyết hết mâu thuẫn chồng chất gần 7 thập kỷ. Nhưng, Triều Tiên chịu ngồi vào bàn đàm phám và thái độ của ông Trump cho thấy hai bên sẵn sàng gác lại quá khứ.
Bình Nhưỡng đứng trước sức ép mở cửa bang giao để vực dậy nền kinh tế trong nước, thông điệp đầu năm mới được phát đi bởi kênh truyền hình trung ương KCNA đã cho thấy điều này.
Phía Mỹ, họ thấy Triều Tiên thuộc khu vực “địa chính trị” cực kỳ quan trọng trong chính sách xoay trục châu Á và “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”. Rất khó để kiềm tỏa Bắc Kinh nếu Triều Tiên vẫn thù địch với Washington.
Dĩ nhiên, không một quốc gia nào có thể phủ nhận lịch sử nhưng mâu thuẫn chủ yếu hiện nay làm gián đoạn mối quan hệ Mỹ - Triều chính là vấn đề hạt nhân.
Bình Nhưỡng có lý do để cân nhắc vì hạt nhân là con “bài ẩm” cuối cùng của họ, đó là thứ để họ mặc cả với Mỹ, nói không quá, “đặc sản” thử tên lửa làm gia tăng sức ảnh hưởng của nhà lãnh đạo sinh năm 1983.
Mỹ không thể đè bẹp Triều Tiên ngay lập tức như đã làm ở Iraq, Iran, Sirya hay Lybia vì không thể “xem thường” năng lực hạt nhân của nước này.
Ngày 9/2 ông Trump tuyên bố trên Facebook “Những người đại diện của tôi vừa rời Triều Tiên sau một cuộc họp rất hữu ích”. Hiện tại, một Hội nghị Thượng đỉnh để giải quyết mọi thứ trên bàn đàm phán là thượng sách với đôi bên.