Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã khởi đầu một "giai đoạn mới" trong mối quan hệ.
Hai nền kinh tế lớn bắt đầu đàm phán một số lĩnh vực bao gồm hướng tới việc giảm thuế quan bằng 0 đối với các mặt hàng công nghiệp và tiếp tục hợp tác về các vấn đề năng lượng.
"Chúng tôi đã đồng ý làm việc với nhau về việc xóa bỏ hoàn toàn thuế quan và không trợ cấp cho hàng hóa công nghiệp không phải ô tô", Tổng thống Mỹ phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker.
Có thể bạn quan tâm
10:39, 26/07/2018
10:25, 24/07/2018
04:30, 12/07/2018
04:30, 11/07/2018
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã không đề cập đến việc hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận về thuế xe hơi, mặc dù ông Juncker nói rằng sẽ không có thuế quan mới được cân nhắc khi đàm phán đang diễn ra. Một số nhà kinh tế đã nói rằng, trong số các vấn đề chính đang được thảo luận, thuế quan với xe ô tô có thể là mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế Mỹ.
Ông Juncker cho biết hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí rằng "sẽ hoãn áp dụng thêm thuế quan và đánh giá lại thuế hiện hành đối với thép và nhôm" do chính quyền Tổng thống Trump đưa ra. "Đây là một cuộc họp tốt, mang tính xây dựng”, ông Juncker nói thêm.
Một thỏa thuận không áp đặt thêm thuế quan trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành sẽ ngăn chặn một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu. Đây cũng sẽ đại diện cho một chiến thắng cho EU, vốn đang chuẩn bị đối mặt với mức thuế ô tô mới.
“Mọi thứ có thể tệ hơn rất nhiều. Họ đồng ý tiếp tục đàm phán. Đây là kết quả tốt nhất mà bạn có thể trông đợi”, Greg Valliere, nhà chiến lược toàn cầu của Horizon Investments, cho biết. "Phản ứng của đảng Cộng hòa đối với đề xuất thuế quan của Trump là khá gay gắt, đó có thể là một yếu tố khiến họ đồng ý tiếp tục đàm phán”.
Sự nhất trí này đã gây ngạc nhiên cho các chuyên gia chính sách ở Washington và Brussels, những người đã theo dõi sát sao những động thái leo thang về thương mại của Trump. Hôm thứ ba, Trump đã đăng một dòng tweet để loại bỏ khả năng của một thỏa thuận trước khi các cuộc họp bắt đầu. "EU sẽ đến Washington vào ngày mai để đàm phán một thỏa thuận về thương mại", ông viết. "Tôi có một ý tưởng cho họ. Cả Mỹ và EU đều bỏ tất cả thuế quan, hàng rào và trợ cấp! Điều đó cuối cùng sẽ được gọi là Thị trường tự do và thương mại công bằng! Hy vọng họ làm điều đó, chúng tôi đã sẵn sàng - nhưng họ sẽ không làm thế!"
Chuyến thăm của Juncker là một điểm sáng trong viễn cảnh quan hệ Mỹ - châu Âu ngày càng trở nên u ám do cuộc chiến thương mại của Trump, sự thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và sự hoài nghi đối với tổ chức đa phương như NATO và EU.
Trong thông báo về chuyến thăm của ông Juncker, Nhà Trắng đã nói trong một tuyên bố vào ngày 17/7 rằng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận "một loạt các ưu tiên, bao gồm chính sách an ninh và ngoại giao, chống khủng bố, an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế", tập trung vào “tăng cường thương mại xuyên Đại Tây Dương và tạo dựng một quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ hơn”.
Tuy nhiên, những bình luận riêng của Tổng thống Trump về châu Âu nhiều lần trái ngược hoàn toàn với thông điệp của Nhà Trắng. "EU - bên cạnh Trung Quốc và một vài nước khác - đối xử tồi tệ với chúng tôi về thương mại”, ông Trump nói trong chuyến thăm Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào tháng 5 và cho biết: EU có các rào cản thương mại. Nông dân của chúng tôi không được phép bán sản phẩm của họ vào EU.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, điều này không đúng. Ngược lại, USDA báo cáo rằng trong năm 2017, xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ sang EU đạt 11,2 tỷ USD, khiến châu Âu trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ năm trên thế giới của nông dân Mỹ.