Là doanh nghiệp công nghệ trẻ, tài chính chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, công ty CP Rikkeisoft đã chọn lối đi riêng để thu hút nhân sự.
>>>Nguồn lực nhân sự công nghệ còn hạn chế
Ông Nguyễn Viết Lâm - Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguồn lực và văn hóa của Rikkeisoft kiêm CEO Học viện đào tạo công nghệ Rikkei Academy đã chia sẻ về cách thiết kế “nam châm” hút nhân sự để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng nhanh trong điều kiện tài chính hạn hẹp.
Một thập kỷ trở lại đây, nhiều doanh nghiệp công nghệ trẻ gia nhập thị trường công nghệ, trong đó có Rikkeisoft với 6 thành viên trẻ. Chủ yếu xuất khẩu phần mềm sang Nhật Bản nên tăng trưởng trung bình mỗi năm của doanh nghiệp này đạt 200%. “Làm thế nào để thu hút nhân sự công nghệ phù hợp về với mình và tạo ra “đòn bẩy” để các bạn trưởng thành, cống hiến là trăn trở lớn nhất chi phối tất cả hoạt động, chính sách khác của công ty” - ông Nguyễn Viết Lâm nhớ lại.
Nguồn lực tài chính của Rikkeisoft trong những năm đầu khởi nghiệp không dư giả để mang tiền lương đi đàm phán, thương lượng và cạnh tranh thu hút nhân sự. Nhìn vào thị trường, các doanh nghiệp đang đầu tư để xây dựng thương hiệu tuyển dụng (EVP), Rikkeisoft buộc phải chọn cái lối đi riêng để làm EVP có chất riêng của mình.
“Chúng tôi nhận ra giá trị cốt lõi trong EVP của mình là tinh thần học tập và cơ hội thăng tiến mang lại cho các bạn trẻ. Rikkeisoft phát triển rất nhanh. Nhiều nhân sự chỉ cần làm việc 6 tháng trở lên là có thể làm quản lý. Đây là điều rất ít doanh nghiệp lớn có thể làm được” - Phó Tổng Giám đốc Rikkeisoft nhấn mạnh. Để cụ thể hoá giá trị của EVP cũng như tạo động lực cho mỗi cá nhân nâng cao năng lực bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, Rikkeisoft đã sớm ứng dụng công nghệ để lượng hoá tinh thần cầu tiến, học hỏi thông qua hệ thống GPS của mình.
Đại diện cho hệ thống này, theo ông Nguyễn Viết Lâm là chỉ số G - Point (điểm phát triển cá nhân) và mỗi nhân sự ở Rikkeisoft đều có một chỉ số G - Point riêng. Điểm được tích luỹ thêm khi nhân sự tham gia các hoạt động liên quan đến học tập, đào tạo hay giao thêm nhiệm vụ mới… Thông qua hệ thống điểm đạt được không chỉ giúp mỗi cá nhân nhìn rõ lộ trình phát triển của mình mà là căn cứ để công ty cất nhắc vị trí quản lý, nâng bậc lương thưởng hay quy đổi thành những khóa học, phần quà, thậm chí đổi ra ngày phép...
“Thống kê lại tổng số các điểm G - Point của anh em và số lượng chứng chỉ các nhân sự trong doanh nghiệp học tập, ở Rikkeisoft đã có nét đẹp văn hóa rất tự hào. Đó là văn hóa truyền nghề: những người có kinh nghiệm hơn truyền lại cho những người ít kinh nghiệm hơn, những người cũ truyền cho người mới. Trước đây khi chưa có hệ thống GPS, để hô hào anh em rất khó nhưng khi tổ chức các chương trình truyền nghề liên tục hàng tuần thu hút rất đông bạn trẻ tham gia, góp phần hình thành phong trào học tập, hỗ trợ lẫn nhau” - Phó Tổng Giám đốc Rikkeisoft cho biết.
Khi quy mô nhân sự đạt trên 100 người, Rikkeisoft đã suy nghĩ đến các vấn đề mang tính nền tảng, trong đó xác định mục tiêu và định hướng đào tạo bài bản với hai triết lý quan trọng để nhân viên không học theo kiểu hình thức.
Thứ nhất, đào tạo theo kiểu chắp vá sửa chữa điểm yếu thì không hiệu quả và không đáp ứng được bối cảnh thay đổi, nhân sự bổ sung mới hàng năm có thể bằng hoặc cao hơn số lượng nhân viên đang hoạt động. Do đó cần hình thành văn hoá đào tạo trong công ty với sự tham gia của toàn bộ đội ngũ từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất.
Thứ hai, việc đào tạo phải là trải nghiệm với các chương trình thú vị tạo hứng thú cho người học và khiến họ cảm thấy được đầu tư và trân trọng.
Để thực hiện hai triết lý này, Rikkeisoft xác định ba yếu tố tư duy mang tính nền tảng, xuyên suốt gồm: đào tạo đúng đối tượng, bám sát yêu cầu phát triển để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và tăng trưởng quy mô công ty, coi đào tạo là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Văn hoá truyền nghề không chỉ giúp công ty vừa giữ nhịp tăng trưởng nóng, phát triển nhân sự đến nay đã lên đến 1.600 người mà chính là một phần trong “nam châm” để các ứng viên tiềm năng được “hút” về mình, để nhân sự cảm thấy hạnh phúc, gắn bó một cách tốt nhất trong khoảng thời gian tối ưu nhất.
“Doanh nghiệp nào phát triển cũng cần lực lượng lao động tốt và luôn đối ứng được với kế hoạch kinh doanh. Thậm chí, sau này nhân sự có rời khỏi doanh nghiệp vẫn đọng lại những trải nghiệm, những cảm xúc, tình cảm với doanh nghiệp” - ông Nguyễn Viết Lâm nói.
Có thể bạn quan tâm