Công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp được tỉnh Nam Định thực hiện từ năm 2011, nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau đó lại “vướng” đủ đường.
Theo thống kê, liên tiếp qua các năm 2015, 2016, 2017, các địa phương đều không đạt chỉ tiêu do tỉnh đề ra. Tương tự, năm 2018, tỉnh Nam Định đặt kế hoạch cấp 106.267 giấy nhưng số liệu thống kê ước tính hết năm toàn tỉnh mới cấp được 74.386 giấy, còn hơn 31 nghìn trường hợp chưa được giải quyết.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐNN sau dồn điền đổi thửa, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành vào cuộc quyết liệt với nhiều biện pháp tích cực, thành lập Ban chỉ đạo riêng tại từng huyện.
Trước tình hình khó khăn về tài chính của các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện dành 10% kinh phí trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau dồn điền đổi thửa… Tuy nhiên, tiến độ thực hiện ở tất cả các huyện đều chậm; trong đó chậm nhất là các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc. Đặc biệt, huyện Vụ Bản, trong 3 năm gần đây mới cấp được 936 giấy chứng nhận.
Có thể bạn quan tâm
02:50, 05/12/2018
06:12, 03/12/2018
16:32, 17/11/2018
Theo Sở TN&MT tỉnh Nam Định, nguyên nhân dẫn đến vướng mắc, chậm tiến độ trong cấp giấy chứng nhận QSDĐNN do các địa phương chưa nghiêm túc thực hiện quy định dành 10% kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất để phục vụ công tác lập hồ sơ địa chính, cấp đổi sổ đỏ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp ngoài đồng sau dồn điền đổi thửa.
Bên cạnh đó, chất lượng hồ sơ dồn điền đổi thửa đã lập không đầy đủ, đồng bộ; ở một số xã số thửa trên hộ vẫn còn cao. Hầu hết bản đồ địa chính của nhiều địa phương quá cũ, phải tập trung đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính mới. Trong quá trình khảo sát đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính tại các địa phương còn phát sinh tình huống một số diện tích chia, đổi chưa chính xác, số liệu sai lệch với kết quả đo đạc thực tế khi lập hồ sơ địa chính mới.
Vì vậy, các địa phương phải tiến hành thêm bước xử lý phần đất dôi dư. Tuy nhiên một số hộ dân không đồng thuận với phương án hợp thức hóa quản lý phần đất dôi dư dẫn đến kéo dài thời gian.
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các địa phương tập trung gỡ khó, phấn đấu hoàn thành công tác này trong năm 2019. Yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo UBND 69 xã vẫn còn sử dụng bản đồ địa chính lập bằng phương pháp thủ công từ năm 1980 khẩn trương lập bản đồ, hồ sơ địa chính; bảo đảm tất cả các xã, phường trên toàn tỉnh sử dụng bản đồ địa chính được đo đạc chính quy.
UBND tỉnh Nam Định cũng lưu ý, trong quá trình tổ chức thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐNN phải thận trọng, chính xác, hạn chế thấp nhất sai sót dẫn tới phát sinh khiếu nại, thắc mắc của người dân. Trường hợp có biểu hiện làm sai hoặc vụ lợi thì phải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và lập phương án sửa chữa, kiểm điểm xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Sở TN&MT tỉnh là đơn vị chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện.