Thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Nỗ lực
Xác định công tác giải ngân là động lực cho phát triển các ngành kinh tế, góp phần giữ vững đà tăng trưởng năm 2024, UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị chủ đầu tư nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư các dự án trong công tác giải ngân cao điểm ở những tháng cuối năm.
Được biết, năm 2024 tổng nguồn vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh Nam Định được Trung ương giao là 4.649,385 tỷ đồng; HĐND tỉnh thông qua là 9.049 tỷ đồng (tăng 4.400 tỷ đồng theo dự kiến khả năng thực hiện của địa phương). Trong đó: Ngân sách Trung ương là 369,411 tỷ đồng (theo đúng số vốn Chính phủ giao), ngân sách địa phương là 8.679,974 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, ước kết quả giải ngân VĐTC đến hết tháng 9/2024 đạt 121,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu so với kế hoạch HĐND tỉnh thông qua thì kết quả giải ngân VĐTC đạt 60,8% kế hoạch, tương đương 5.663,113 tỷ đồng (Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân là 243,952 tỷ đồng, đạt 66,0% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách địa phương giải ngân là 5.419,161 tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch).
Với kết quả này, Nam Định nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân VĐTC trong bối cảnh kết quả giải ngân VĐTC 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước chỉ đạt 47% kế hoạch; một số bộ, ngành tỷ lệ giải ngân dưới 10%; nhiều tỉnh, thành phố dưới 30%.
Theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: Để giải ngân hiệu quả lượng lớn VĐTC, thời gian qua các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã nỗ lực không ngừng trong cải thiện quy trình, chủ động đẩy nhanh tiến độ tất cả các phần việc liên quan. Ngay trong các kỳ họp từ năm 2023, UBND tỉnh đã chủ động trình HĐND kế hoạch dự kiến đầu tư công năm 2024, nhờ đó có cơ sở để thực hiện sớm các nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư (các thủ tục đầu tư, công tác giải phóng, chuẩn bị sẵn mặt bằng sạch…).
Đặc biệt, công tác chỉ đạo điều hành được duy trì xuyên suốt ngay từ đầu năm ở mức quyết liệt tại tất cả các cấp chính quyền, ngành chức năng; tại các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đều nhận thấy tinh thần quyết liệt, chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị trong chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy tiến độ thực hiện các phần việc liên quan.
Hàng tuần, UBND tỉnh đều họp, kiểm điểm và đốc thúc tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, giải ngân VĐTC; kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn VĐTC năm 2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 3 Tổ công tác theo dõi, đôn đốc công tác chỉ đạo, điều hành về giải ngân VĐTC thành lập theo Quyết định số 741/QĐ-UBND ngày 14/4/2023 của UBND tỉnh với phong cách chỉ đạo mới, bám sát thực tế, quyết liệt đôn đốc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các địa phương, đơn vị. Đánh giá thường xuyên tỷ lệ giải ngân của từng dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, các dự án ODA, các dự án có kế hoạch được bố trí vốn lớn trong năm 2024.
Nhờ đó, các khó khăn, vướng mắc phát sinh (liên quan đến thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu thầu…) có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đã được nhận diện và có giải pháp xử lý kịp thời, trường hợp thuộc thẩm quyền Trung ương thì tỉnh cũng báo cáo đề xuất ngay đến các cơ quan cấp trên cùng xem xét, xử lý.
Quyết tâm đi đầu
Có thể thấy, bối cảnh khó khăn chung từ tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường nguyên, vật liệu biến động…, đến đơn hàng sụt giảm, mất việc làm, thu nhập không ổn định, người dân thắt chặt chi tiêu, song vẫn các địa phương, ban ngành của tỉnh vẫn nỗ vượt qua được khó khăn để đạt kế hoạch giải ngân tốt.
Có nhiều đơn vị giải ngân trên 100% kế hoạch vốn, song vẫn có những địa phương, đơn vị đạt kế hoạch giải ngân thấp. Điều đó cho thấy, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu vẫn đến từ nguyên nhân chủ quan và từ các chủ đầu tư, người đứng đầu các địa phương, đơn vị.
Đặc biệt có nhiều lần lãnh đạo tỉnh Nam Định đi kiểm tra tiến độ các dự án có vốn đầu tư công. Đến đâu nếu phát hiện chủ đầu tư, các đơn vị thi công lơ là, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng… là lãnh đạo tỉnh liền phê bình, nhắc nhở và buộc cam kết khắc phục các tồn tại để dự án triển khai sớm nhất.
Người dân cũng nhận thấy, ở rất nhiều dự án có vốn đầu tư công trên địa bàn không khó để bắt gặp hình ảnh công nhân “vượt nắng, thắng mưa”, “3 ca, 4 kíp”, thậm chí “làm xuyên ngày nghỉ, xuyên ngày lễ” tại các dự án trọng điểm của tỉnh, bao gồm: dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; cầu Đống Cao bắc qua sông Đào thuộc tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển (tỉnh lộ 484); cầu qua sông Đào; đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (giai đoạn II); Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Đặc biệt, dù cũng chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của bão, lũ, nhất là cơn bão số 3 (Yagi) nhưng các địa phương trong tỉnh Nam Định cũng khắc phục hậu quả rất nhanh, không để bất cứ công trình sử dụng vốn ngân sách phải tạm dừng để khắc phục hậu quả mưa lũ nên vẫn bảo đảm thúc đẩy nhanh tiến độ thi công.
Thực tế cho thấy, để có thể về đích trong giải ngân vốn đầu tư công thì vai trò, quyết tâm của người đứng đầu/chủ đầu tư các dự án rất quan trọng. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các địa phương - nơi dự án đứng chân trong việc giải phóng mặt bằng. Việc này phải đi trước một bước thì dự án mới triển khai hiệu quả.
Theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ ticj UBND tỉnh Nam Định: Để đạt được mục tiêu giải ngân VĐTC, từ nay đến cuối năm 2024, yêu cầu các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan xác định giải ngân VĐTC là công tác trọng tâm, trọng điểm bởi đầu tư vẫn là động lực tăng trưởng hết sức quan trọng của nền kinh tế. Đồng thời phải tiếp tục quyết liệt hơn trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 8/8/2024.
Trong đó, tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá giải ngân từng dự án, điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân, đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao, đăng ký bổ sung kế hoạch vốn đối với các dự án có nhu cầu.
Với sự chủ động, quyết liệt, bám sát các công việc cụ thể, công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Nam Định trong những tháng còn lại của năm 2024 sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo mục tiêu hoàn thành giải ngân vốn theo đúng kế hoạch, góp phần quan trọng để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế địa phương.