Nhằm bảo đảm bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dịp cuối năm, Cục QLTT tỉnh đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
>>>Nam Định: Kiên quyết xử phạt nhiều tàu cá vi phạm khai thác IUU
Tăng cường...
Càng gần cuối năm, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh càng trở nên sôi động. Đây cũng là thời điểm các “gian thương” gia tăng hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng. Để chủ động ngăn ngừa gian lận thương mại, bảo đảm bình ổn thị trường, góp phần tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Theo Cục Quản lý thị trường: Trong 9 tháng năm 2023, lực lượng QLTT đã xử lý 373 vụ việc, phạt trên 2,3 tỷ đồng; giá trị hàng hóa thu giữ ước đạt trên 1,3 tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Dự báo tình hình thị trường những tháng cuối năm không chỉ phức tạp ở hoạt động mua bán trực tiếp mà đáng chú ý và khó đấu tranh trong hoạt động thương mại điện tử; các hành vi vi phạm tập trung chủ yếu gian lận về hóa đơn chứng từ để trốn thuế, chất lượng hàng hóa không đúng với công bố; không thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; niêm yết giá hàng hóa cao, không đúng với giá trị thật hoặc dùng “chiêu bài” giảm giá, đại hạ giá trà trộn bán hàng nhái, kém chất lượng… để thu lời bất chính.
Để chủ động kịp thời ngăn chặn những hành vi này, Cục QLTT Nam Định yêu cầu trưởng các phòng chuyên môn, nghiệp vụ; đội trưởng các đội QLTT và trưởng các đoàn thể thuộc Cục QLTT tỉnh phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 giải pháp căn bản cho công tác chuyên môn như: Nắm chắc địa bàn, phát hiện sớm các đối tượng vi phạm để có phương án kiểm tra, xử lý có hiệu quả, tránh bất ngờ về diễn biến thị trường.
Sắp xếp phân công bố trí nhiệm vụ cho công chức và người lao động. phù hợp điều kiện của đơn vị nhằm tạo sức mạnh tối đa và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan, định hướng người tiêu dùng cũng như đưa tin về kết quả hoạt động của toàn lực lượng, cảnh báo với người tiêu dùng về phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại để người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm hàng hóa. Trong đó, tập trung triển khai đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Lực lượng QLTT tập trung 100% quân số, bố trí trực, bám sát thị trường 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình thị trường, đề xuất kịp thời các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, xây dựng phương án và chủ trì mở các đợt kiểm tra liên ngành đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: bánh, mứt, kẹo, rượu, thuốc lá, nước giải khát; các sản phẩm thực phẩm từ gia súc, gia cầm; quần áo, phụ kiện thời trang; dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu...
Lực lượng QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Thuế, Thanh tra Nông nghiệp, Khoa học và Công nghệ, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát những mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Trọng tâm kiểm tra là nơi phát luồng hàng hóa lớn như cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh.
Lực lượng QLTT còn tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại của tổ chức, cá nhân trên một số tuyến phố khu vực nội thành nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thẩm lậu vào thị trường nội địa.
Để hỗ trợ cho công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay và cùng tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, mua bán, hàng cấm, hàng giả; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết “Không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng”. Định kỳ hàng tuần khảo sát tình hình thị trường về cung cầu và giá các mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, từ đó phát hiện những vấn đề bức xúc, nổi cộm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Siết chặt...
Theo Cục QLTT: Ngay trong những ngày đầu của đợt cao điểm đấu tranh chống gian lận thương mại những tháng cuối năm, lực lượng QLTT đã ngăn chặn kịp thời nhiều tụ điểm phát sinh cung ứng nguồn hàng giả, hàng kém chất lượng cũng như xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Trong đó Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Nam Định) đã kịp thời phát hiện trên 200 sản phẩm bánh ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường; đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh trên về hành vi vi phạm hành chính “Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” với số tiền phạt 1,6 triệu đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm.
Cũng trong dịp này lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí mỏ hóa lỏng không đủ điều kiện kinh doanh. Cùng với tăng cường công tác nghiệp vụ, ổn định thị trường, Cục QLTT cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Cục QLTT tỉnh, cho biết: Thời điểm cuối năm đang tới gần, để đảm bảo ổn định thị trường, Cục QLTT tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý địa bàn, thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh vào hệ thống quản lý dữ liệu INS. Cùng với đó tiếp tục xây dựng, triển khai các kế hoạch hành động cao điểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các hành vi buôn lậu, hàng hóa giả mạo, không rõ nguồn gốc.
Để thị trường tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán được bình ổn, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, các hộ kinh doanh và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không tiếp tay cho các hoạt động gian lận thương mại, có như vậy, công tác QLTT mới đạt hiệu quả, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Có thể bạn quan tâm