Việc phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp này ở Nam Định còn ít so với tiềm năng.
>>>Doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may đầu tư tại Nam Định
Thực trạng
Thời gian qua, Nam Định đã hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.Tuy nhiên đến nay, số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
Theo đại diện Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến: Công ty được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ với sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng các loại 0,5m3-1,5m3-2,5m3 được hình thành từ kết quả của Dự án khoa học và công nghệ “Hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng loại 0,5m3-1,5m3-2,5m3”.
Hiện các sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm của công ty sản xuất được ứng dụng công nghệ sơn tĩnh điện của Nhật Bản; tạo phôi bằng máy CNC của hãng Victor nhập khẩu từ Mỹ và áp dụng hệ thống hàn MIC robot tự động… Qua đó giúp các sản phẩm có độ bền đạt tới 100 nghìn m3, nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng ngoại nhập về giá cả, chất lượng. Mỗi năm, doanh thu của Công ty từ sản phẩm bồn trộn bê tông thương phẩm đạt 10-15 tỷ đồng.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định, để hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Sở đã tuyên truyền, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, trước đó tỉnh có 3 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nam Định, Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) và Công ty TNHH Tân Thiên Phú.
Đây là những doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thời gian qua, Nam Định đã hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tuy nhiên đến nay, số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay.
Theo quy định, các doanh nghiệp có giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo; được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước; sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước…
Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Theo Hiệp hội doanh nghiệp: Có quá nhiều ưu đãi khi trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ song đến nay ở tỉnh Nam Định mới chỉ có 4 doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong tổng số trên 12 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Đây thực sự là con số rất khiêm tốn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp của tỉnh phần lớn ở quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, chưa mạnh dạn đầu tư cho khoa học và công nghệ. Thực tế các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ nhưng sản phẩm đáp ứng điều kiện để cấp Giấy chứng nhận sản phẩm khoa học và công nghệ lại không nhiều.
Trong khi đó một số doanh nghiệp đủ điều kiện cũng không đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ bởi để được công nhận, doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, giới thiệu quá trình ươm tạo và làm chủ công nghệ, đòi hỏi phải chia sẻ bí quyết công nghệ...
Bên cạnh đó, chính sách đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn bất cập và nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Một trong những chính sách quan trọng mới được sửa đổi tại Nghị định 13/2019/NÐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/2/2019 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ là ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ nhưng cơ quan quản lý và doanh nghiệp vẫn có nhiều băn khoăn về tính khả thi.
Theo đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có doanh thu của sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp mới được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dù mức tỷ lệ này đã giảm so với trước đây, nhưng nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn khó có thể đạt để được hưởng ưu đãi. Thậm chí có doanh nghiệp khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp song cũng không được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo ông Trần Văn Kiều - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, năm 2018 Công ty được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ với các sản phẩm lò đốt rác sinh hoạt. Doanh thu hàng năm của sản phẩm khoa học và công nghệ đạt trên 80% tổng doanh thu nhưng đến nay Công ty cũng chưa nhận được các chính sách ưu tiên, ưu đãi của doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có đặc thù đầu tư lớn, rủi ro cao, sản phẩm mới không dễ được thị trường đón nhận, trong khi tiềm lực tài chính còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc đăng ký doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thời gian tới, Sở tiếp tục khảo sát, phân loại các doanh nghiệp có tiềm lực về khoa học và công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển doanh nghiệp để lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm năng khoa học và công nghệ.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, khảo sát nhu cầu đăng ký thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhu cầu được ươm tạo để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về việc thành lập, quản lý, điều hành hoạt động của doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đồng thời tổ chức các chương trình, hội nghị hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình, thủ tục, điều kiện và các vấn đề liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Theo chuyên gia về khoa học công nghệ: Ngoài các giải pháp kể trên, vấn đề đặt ra là cần thêm những giải pháp thiết thực từ doanh nghiệp, ngành chức năng, chính quyền các cấp và các địa phương.
Trong đó cần phải có chính sách “sát sườn” hơn; các cơ quan chức năng cần tạo "cầu nối" để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng những tiêu chí cần có để nhận được các chính sách ưu đãi. Qua đó tạo ra làn sóng mới trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm