Thời gian qua, việc tiếp sức phát triển phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đóng góp tích cực cho KT-XH, lại góp phần nâng tầm các sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Từ thúc đẩy...
Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tại Nam Định ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh về “Xây dựng hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Nam Định giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” với nhiều hoạt động xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, thu hút sự quan tâm của giới trẻ và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Trong những năm vừa qua, nhiều tranh cãi vẫn không ngừng diễn ra về khái niệm khởi nghiệp. Đối với nhiều chuyên gia, khởi nghiệp trên thực tế là nói ngắn gọn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mà trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng đột phá của khoa học công nghệ trong việc hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp và có thể phát triển nhanh, mở rộng quy mô dễ dàng.
Thế nhưng có thể thấy, những doanh nghiệp đáp ứng được hai tiêu chí này chủ yếu hoạt động tại các thành phố lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái, các chuyên gia sẵn có...
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã ghi đậm dấu ấn, góp phần mạnh mẽ cho việc giải quyết các bài toán khó của xã hội và cũng đã phát triển nhanh chóng chỉ trong vài năm nhờ khai thác hiệu quả cuộc cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, dù chưa tạo nhiều đột phá, dù chưa ứng dụng một cách mạnh mẽ tiến bộ của khoa học công nghệ thì cũng không thể phủ nhận được những bước chuyển và đóng góp ngày càng lớn của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương.
Hiện nay, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại địa phương thường chọn xu hướng khởi nghiệp trong lĩnh vực như nông nghiệp, đồ thủ công mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa truyền thống,… tận dụng nguồn sản phẩm sẵn có của địa phương. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự cất cánh, cần những giải pháp thiết thực, đồng bộ từ nhiều phía.
Được biết, một trong những giải pháp tích cực thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khỏi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) của tỉnh Nam Định là Dự án “Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động KNĐMST và hình thành hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh Nam Định” được Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) thực hiện.
Theo Sở KH và CN Nam Định: Sở đã thúc đẩy hình thành, vận hành và duy trì 2 điểm hỗ trợ KNĐMST tại Trung tâm Ứng dụng, Dịch vụ KH và CN và tại Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp (cơ sở Nam Định). Tại các điểm hỗ trợ đã diễn ra các chương trình tư vấn, hội thảo về KNĐMST… thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Cuối năm 2023, Sở KH và CN đã hỗ trợ thành lập CLB Khởi nghiệp Sáng tạo tỉnh nhằm tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân cho mọi tầng lớp nhân dân nhằm thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh.
Đặc biệt, năm 2024, Sở KH và CN đã tổ chức thành công Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KNĐMST Thành Nam 2024”, góp phần tạo nguồn start-up đa dạng trên nhiều lĩnh vực thế mạnh của tỉnh. Cuộc thi thu hút hơn 70 ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo đăng ký tham gia, thuộc các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ, y tế - giáo dục, du lịch, tài chính... cho thấy sức sáng tạo và khát vọng mạnh mẽ của cộng đồng khởi nghiệp Nam Định.
Có thể nói, hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Nam Định đang từng bước hình thành với các bước cơ bản của một hệ sinh thái, góp phần tạo thuận lợi để thúc đẩy nguồn start-up đa dạng, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới... Qua đó tạo tiền đề phát triển bền vững cho hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cũng cho thấy các start-up hiện tại gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu vốn đầu tư và khó tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp; hạn chế về kỹ năng, kinh nghiệm quản trị, marketing (quảng bá, truyền thông) và phát triển sản phẩm, thiếu môi trường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau giữa các start-up…
Qua Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KNĐMST Thành Nam 2024” cho thấy, trong Top 10 dự án, ý tưởng được trao giải, chỉ có 3 dự án “Phát triển nghề lên men thủ công từ làng cổ Bách Cốc”, “Codemath - Website và App học và luyện thi toán quốc tế tiểu học”, “Nuôi cấy đông trùng hạ thảo ký chủ tằm xuất khẩu sang Trung Quốc” là đã được thương mại hóa sản phẩm.
Các dự án còn lại đang dừng ở giai đoạn ý tưởng, mô hình thử nghiệm hoặc sản phẩm mẫu. Điều này cho thấy, từ ý tưởng đến thị trường là một chặng đường dài của mỗi sáng kiến, đòi hỏi phải có sự đầu tư bài bản trong một hệ sinh thái toàn diện.
...đến tiếp sức
Thời gian qua, Nam Định được đánh giá là một nơi đất lành chim đậu. Các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang về đây với nhiều hấp lực. Nhờ đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được hưởng lợi từ một thị trường ngày càng sôi động, cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn và cơ hội mang sản phẩm của doanh nghiệp cũng như các sản phẩm đặc sản của Nam Định vươn xa hơn.
Trong thời gian qua, song song với những nỗ lực xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, chính quyền tỉnh Nam Định còn chú trọng xúc tiến thương mại, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu.
Với những lợi thế lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp tỉnh Nam Định cũng đang nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng, sản xuất để có thể vừa đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế về minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, vừa tận dụng được lợi thế của công nghệ để gia tăng năng suất.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia, ngày 20/2/2025, Ban TVTU đã ban hành Chương trình hành động số 54-CTr/TU; ngày 21/2/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND.
Theo đó, định hướng và mục tiêu chiến lược trong giai đoạn tiếp theo là nâng cao tiềm lực, trình độ KHCN và ĐMST của tỉnh đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, số lượng doanh nghiệp có hoạt động KHCN và ĐMST đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. Một trong những nhiệm vụ được đề ra trong Kế hoạch số 29/KH-UBND của UBND tỉnh là “Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và chuyển đổi số trong doanh nghiệp” với các nội dung liên quan đến ĐMST như: xây dựng, triển khai các giải pháp và cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ nghiên cứu khoa học, KNĐMST.
Hỗ trợ phát triển các chương trình, dự án KHCN, ĐMST như: tiếp tục tổ chức cuộc thi về tìm kiếm ý tưởng KNĐMST, từ đó hỗ trợ bồi dưỡng các ý tưởng có hàm lượng trí tuệ sáng tạo đạt giải cao, các ý tưởng mang tính sáng tạo và tính đột phá; tư vấn, hỗ trợ việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ...
Trước thực trạng hiện nay và với những nhiệm vụ nêu trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đào tạo, hỗ trợ, tư vấn và cố vấn khởi nghiệp thông qua các chương trình huấn luyện, ươm tạo, kết nối start-up với các cố vấn, chuyên gia trong các lĩnh vực phù hợp để hỗ trợ start-up cải tiến phát triển sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh, đổi mới và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Tư vấn, định hướng cho các start-up phát triển theo các thế mạnh địa phương để tăng khả năng thương mại hiệu quả sản phẩm.
Với nền tảng là một trong những đơn vị “lá cờ đầu” về giáo dục, đào tạo; truyền thống lao động sáng tạo; đặc biệt trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nam Định có nhiều cơ hội để bứt phá trong lĩnh vực KNĐMST.
Điều cần thiết là cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của chính quyền trong triển khai thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, cần một ý chí, khát vọng vươn lên thịnh vượng của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng đồng start-up nói riêng và các tổ chức hỗ trợ. Đây không chỉ là nhân tố mới trong tăng trưởng kinh tế địa phương mà còn là lực lượng tiên phong giúp Nam Định bứt phá trong thời kỳ phát triển bền vững dựa trên tri thức và công nghệ.