“Nắn dòng” tín dụng

PHƯƠNG HÀ thực hiện 06/01/2024 03:04

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

>>>Phó Thống đốc NHNN: Lãi suất cho vay đã về mức thấp ở mọi kỳ hạn

Đó là chia sẻ của ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN với DĐDN nhân dịp đầu năm 2024.

- Thưa Phó Thống đốc, vì sao tăng trưởng tín dụng của năm 2023 thấp hơn chỉ tiêu mà NHNN đã đề ra trong năm?

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN xác định mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15% và được linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tháng 7/2023, NHNN đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng mức tăng trưởng 14,5%.

Tuy nhiên, tình hình 11 tháng qua cho thấy tăng trưởng kinh tế còn gặp khó khăn, sức hấp thụ vốn và cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu nên đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD không đồng đều, một số ngân hàng tăng trưởng khá cao, còn lại tăng trưởng thấp, tăng trưởng âm.

>>>Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024

- Trong năm 2023, tín dụng chảy vào khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm, thưa Phó Thống đốc?

Tính đến cuối tháng 10/2023, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 313 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,45%, tăng 8,51% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,78%, tăng 20,09% so với cuối năm 2022; Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng 18,44% so với cuối năm 2022…

Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản (BĐS) đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6,04%, chiếm tỷ trọng 21,46% dư nợ nền kinh tế. Điều này phù hợp để giải thích cho tăng trưởng tín dụng vượt mức trung bình ngành ở một số ngân hàng có tỷ trọng cho vay BĐS lớn. Tín dụng BĐS tăng trở lại sau những chính sách hỗ trợ được Chính phủ và NHNN ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này trong thời gian qua.

 Năm 2024, NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024, NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

- Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, chính sách tiền tệ trong năm 2024 sẽ được NHNN chú trọng như thế nào, thưa Phó Thống đốc?

NHNN định hướng nắn dòng tín dụng chảy vào doanh nghiệp và nền kinh tế, duy trì đà phục hồi tốt hơn trong năm 2024. Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã ở mức thấp và tiếp tục duy trì xu hướng giảm để thúc đẩy tín dụng. NHNN vừa có thêm đợt cấp hạn mức tín dụng nên dư địa cho vay của các TCTD vẫn còn nhiều. Sang năm 2024, các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ ấm dần lên, những khó khăn trên thị trường BĐS và trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tháo gỡ. Do vậy, kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt 13-14%.

Năm 2024, NHNN vẫn tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, NHNN chỉ đạo các NHTM tiếp tục triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại theo chủ trương của Chính phủ.

Theo đó, NHNN khuyến khích các TCTD tập trung nguồn vốn cho các phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; đồng thời kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh BĐS nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

Với chính sách tiền tệ, NHNN sẽ điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng. Đồng thời, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và tích cực giảm lãi suất cho vay.

NHNN đang tăng cường rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, vừa đảm bảo tuân thủ quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường

    Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành giá vàng miếng theo nguyên tắc thị trường

    12:00, 28/12/2023

  • NHNN có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất năm 2024

    NHNN có thể kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất năm 2024

    11:10, 25/12/2023

  • Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của NHNN

    Không thể loại trừ hoàn toàn khả năng tăng lãi suất của NHNN

    05:05, 07/11/2023

  • Phó Thống đốc NHNN: Giảm lãi suất đã đạt mục tiêu

    Phó Thống đốc NHNN: Giảm lãi suất đã đạt mục tiêu

    20:41, 04/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Nắn dòng” tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO