Nghề trồng dừa ở Bến Tre được xem như một sắc thái văn minh miệt vườn và luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.
Là tỉnh có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước và được xem là thủ phủ dừa của cả nước, Bến Tre xác định cây dừa là “Cây của sự sống”, cây chiến lược công - nông nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cây chiến lược công - nông nghiệp
Bến Tre có diện tích dừa chiếm gần 50% diện tích dừa cả nước và 80% diện tích của ĐBSCL, với khoảng trên 72.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 800 triệu trái, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Đặc biệt, Bến Tre có các giống dừa đa dạng với chất lượng tốt, năng suất cao.
Ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, để hỗ trợ ngành dừa phát triển, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành Chương trình phát triển ngành dừa đến năm 2020 với mục tiêu gia tăng năng suất, sản lượng dừa và thu nhập của người trồng dừa; đảm bảo cung ứng ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; thúc đẩy sự gắn kết giữa các doanh nghiệp chế biến và nâng cao chuỗi giá trị trong chế biến dừa, góp phần thúc đẩy ngành dừa phát triển nhanh và bền vững.
Ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có sự phát triển nhanh và phong phú về các mặt hàng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong ngành công nghiệp chế biến, được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Không chỉ cung ứng trái dừa tươi ra thị trường làm nước giải khát, thực phẩm, từ nguyên liệu của cây dừa, Bến Tre hiện nay đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng hộp, than hoạt tính, dầu dừa tinh khiết... đã tận dụng tất cả những phụ phẩm từ cây dừa để sản xuất, chế biến các sản phẩm xuất khẩu, góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa.
Có thể bạn quan tâm
17:14, 01/11/2019
17:09, 01/11/2019
17:05, 01/11/2019
16:54, 01/11/2019
Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa
Tỉnh Bến Tre đã xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, hỗ trợ hình thành các mô hình hợp tác để giúp người dân liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ dừa. Các chuỗi liên kết đang hướng tới các chỉ tiêu về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, sản xuất an toàn, bền vững.
Không chỉ chọn lựa các cây dừa tốt phục vụ công tác gây giống, góp phần bảo đảm chất lượng nguồn cây giống và hiệu quả sản xuất, một số vườn dừa mẫu, dừa hữu cơ tại Bến Tre đã được xây dựng, người nông dân được hỗ trợ nâng cao kỹ năng trồng và chăm sóc dừa...
Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 cơ sở chế biến dừa, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động rất khác nhau. Tổng công suất các nhà máy chế biến cơm dừa đã có khả năng tiêu thụ hơn 02 lần sản lượng dừa của tỉnh (1,25 tỷ trái dừa/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp các sản phẩm dừa năm 2018 đạt 3.300 tỷ đồng, chiếm 12,34% giá trị sản xuất công nghiệp. Xuất khẩu là kênh tiêu thụ phần lớn các sản phẩm dừa của Bến Tre. Các sản phẩm từ dừa Bến Tre đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí là những thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ.
Ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, đến nay, các sản phẩm từ dừa đã được xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu truyền thống được củng cố và giữ vững, đồng thời có thêm được nhiều thị trường mới, trong đó đứng đầu là các nước Châu Á với tỷ trọng trên 60%; kế đến là khu vực Châu Mỹ gần 20%; Châu Âu 12%; Châu Phi 5% và các nước khu vực Châu Đại Dương 3%.
Tỉnh Bến Tre đã thiết lập 01 Cụm công nghiệp chế biến dừa với mục tiêu hình thành một hệ thống thu mua - sơ chế - chế biến các sản phẩm từ dừa liên hoàn. Cụm công nghiệp Phong Nẫm, Giồng Trôm đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, tổng diện tích 41,94 ha; có 07 dự án đăng ký đầu tư, diện tích cho thuê 31 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 1.943 tỷ đồng.
Lễ hội dừa Bến Tre lần thứ V Nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung với du khách trong nước và quốc tế, từ ngày 16/11/2019 đến ngày 20/11/2019, tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ V tại thành phố Bến Tre. Theo ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đây là sự kiện văn hóa quan trọng của tỉnh với với quy mô cấp quốc gia nhằm mục đích tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và những cá nhân trong hoạt động kinh tế - xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người thợ, người nông dân đã gắn bó hết mình cho cây dừa. Lễ hội cũng tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết từng bước để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm của ngành dừa. Các hoạt động của Lễ hội Dừa giúp Bến Tre có nhiều điều kiện phát huy lợi thế xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, đem lại cho mọi người hiểu biết sâu hơn về văn hóa dừa và hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre. Bên cạnh đó, Lễ hội Dừa lần này cũng tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và những cá nhân trong hoạt động kinh tế - xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là nghệ nhân, người thợ, người nông dân gắn bó với cây dừa. Điều đó giúp nhiều người hiểu đầy đủ về vai trò, vị trí của cây dừa đối với cuộc sống và phát huy giá trị mang lại từ cây dừa ở trong nước và quốc tế. “Từ lễ hội, tỉnh Bến Tre mong muốn giới thiệu ngành dừa cũng như sản phẩm dừa đến với du khách trong và ngoài nước; tôn vinh cây dừa, sản phẩm từ dừa; các giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của dừa… Thông qua đó, ngoài việc giúp Bến Tre có điều kiện phát huy lợi thế xuất khẩu các sản phẩm từ dừa, còn giúp người dân nhận thức sâu hơn về văn hóa dừa, hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh đặc thù sản phẩm từ dừa Bến Tre”, ông Nguyễn Hữu Lập cho hay. Lễ hội Dừa sẽ chính thức khai mạc vào lúc 20 giờ ngày 16/11/2019 và bế mạc vào lúc 20 giờ ngày 20/11/2019 tại Công viên An Hội, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Lễ khai mạc và bế mạc sẽ được truyền hình trực tiếp và phát trên sóng truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bến Tre và một số kênh truyền hình của các tỉnh lân cận. Lễ hội gồm các hoạt động chính như: Lễ khai mạc, bế mạc; Liên hoan Ẩm thực dừa Nam Bộ; Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ Thương mại; Không gian dừa; Tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa; Hội thảo “Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre”; “Về chuỗi giá trị cây dừa”; “Trải nghiệm du lịch vườn dừa Bến Tre”. Đặc biệt, điểm nhấn của lễ hội là Chương trình Tuần lễ Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch với các nội dung đa dạng, phong phú như: Tổ chức không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Hội thi Người đẹp xứ Dừa mở rộng; nghệ thuật đường phố; biểu diễn trang phục dừa…; tổ chức các tour du lịch “Trải nghiệm sông nước, miệt vườn xứ Dừa”, kết hợp với quảng bá về các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái, các vườn dừa đẹp cho du khách tham quan; tổ chức các trò chơi dân gian, truyền thống cho học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân trồng dừa tham gia. |