Việc nâng cao năng suất chất lượng (NSCL) sản phẩm là một yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Những năm gần đây Chính phủ và các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của các địa phương.
Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình 1322) được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến NSCL. Chương trình này nhằm nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tại Ninh Thuận, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL. Cụ thể, Sở đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để đề xuất hai nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia dự kiến thực hiện từ năm 2025. Nhiệm vụ đầu tiên là hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch năng suất thông qua các hệ thống quản lý tiên tiến. Nhiệm vụ thứ hai là xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn LEAN kết hợp hệ thống quản lý năng lực và chất lượng phòng xét nghiệm y tế theo tiêu chuẩn ISO 15189:2022.
Ở Bình Dương - thủ phủ công nghiệp phía Nam cũng như của cả nước, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Trường Thi cho biết, nhiều doanh tại Bình Dương tiên phong ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại như robot công nghiệp, hệ thống điều khiển tự động, dây chuyền sản xuất thông minh và ứng dụng tiêu chuẩn phù hợp cho sản xuất.
Ông Nguyễn Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Sản xuất Thương mại thiết bị Elecsun (TP.Tân Uyên) cho biết, được sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, công ty không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ theo hướng tự động hóa, ít thâm dụng lao động, đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng trong nước và quốc tế.
Với những nỗ lực không ngừng, Elecsun được đối tác đánh giá cao về quy mô nhà xưởng, trang thiết bị, năng lực sản xuất và đặc biệt là bảo đảm chất lượng sản phẩm. Quy trình quản lý hiện đại hơn khi Elecsun đưa vào sử dụng mô hình quản lý bằng phần mềm ERP và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO:9001-2015.
Bà Nguyễn Thới Hòa Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kính Vinacam (TP.Tân Uyên) cho hay, trong tiến trình vươn lên để trở thành doanh nghiệp đi đầu trong ngành sản xuất kính cường lực, các sản phẩm kính do công ty sản xuất liên tục được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và tính năng sử dụng. Bên cạnh việc đầu tư các trang thiết bị gia công các sản phẩm kính hiện đại, công ty đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015.
Tại tỉnh Lâm Đầm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh này cũng đã thực hiện nhiều hoạt động như in ấn 2.000 tờ rơi, 6 phóng sự về Chương trình NSCL, tổ chức 18 lớp tập huấn với các chủ đề như: Đánh giá viên nội bộ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000, Điều hành, giám sát và lập kế hoạch trong sản xuất, Sản xuất thông minh, chuyển đổi số ứng dụng trong các ngành sản xuất, và nhiều chủ đề khác. Tổng cộng, có 1.385 người tham dự các lớp tập huấn này.
Sở đã hỗ trợ gần 100 doanh nghiệp thực hiện áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL cho 140 dự án, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng và chứng nhận VietGAP, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, xây dựng và áp dụng 308 tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy cho 43 sản phẩm. Sở cũng đã hỗ trợ và ký hợp đồng thực hiện 36 dự án của 34 doanh nghiệp với tổng kinh phí 2,544 tỷ đồng và hỗ trợ cho 8 doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia và quốc tế.
Tại Bình Phước, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp NSCL sản phẩm hàng hóa cũng được triển khai rộng rãi. Tỉnh đã đề xuất nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình 1322, tập trung vào việc nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tiếp tục nhân rộng áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14001; khuyến khích áp dụng các giải pháp tích hợp, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo, tư vấn và cung cấp các giải pháp kỹ thuật để cải thiện quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với Bắc Ninh - Tỉnh đã không ngừng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao NSCL sản phẩm. Qua đó, tất cả thành viên trong tổ chức từ lãnh đạo đến công nhân đều được khuyến khích đưa ra đề xuất cải tiến dù là nhỏ xuất phát từ những công việc thường ngày.
Sau thời gian triển khai công cụ cải tiến Kaizen, các doanh nghiệp đã được tư vấn, hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến liên tục trong sản xuất chế tạo. Kết quả cải tiến giúp các nhà máy tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng năng suất cũng như cải thiện môi trường làm việc của người lao động.
Kết quả này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Bắc Ninh có 800 hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, 70% doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của chuỗi sản xuất trong quản trị doanh nghiệp; giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 15% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển công nghiệp trong lĩnh vực này hàng năm tăng từ 8 - 9%; liên kết, xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn, cải tiến doanh nghiệp trong và ngoài nước...
Trong tương lai, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và mở rộng. Chính phủ và các địa phương sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các công nghệ tiên tiến và cải tiến quy trình sản xuất. Các doanh nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ chủ động hơn trong việc nắm bắt các cơ hội và thách thức, NSCL sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần phát triển bền vững trong tình hình mới.