Chủ động thay đổi hay chịu sự thay thế? Người lao động cần phát triển những kĩ năng thời đại nào nếu không muốn mình đi sau nhu cầu của nhà tuyển dụng trong làn sóng cách mạng công nghệ 4.0.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong năm qua đã được thảo luận sôi nổi từ các chính trị gia, doanh nhân, nhà khoa học… Và lẽ dĩ nhiên, đó là chủ đề quan tâm bậc nhất của những chiến lược gia về nhân sự. Công nghiệp 4.0 đang chuyển hóa cách chúng ta hoạt động, giao tiếp, sản xuất và tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, khi máy móc, công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế nhiều hạng mục công việc của con người.
Xu hướng có thể thấy rõ nhất là số hóa những công việc thủ công hoặc mang tính chất lặp đi lặp lại bằng trang thiết bị, ứng dụng công nghệ. Các ngành nghề công nghiệp và dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ sự đơn giản hóa công việc giấy tờ, thay vào đó là các quy trình tinh gọn, nhanh chóng, tùy biến nhờ vào các công cụ kỹ thuật hiện đại, phân tích dữ liệu. Bên cạnh đó, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên. Thị trường việc làm trở nên thông thoáng và đa dạng với nhiều sự lựa chọn, nhưng các nhà tuyển dụng cũng vì thế trở nên kén chọn hơn. Theo báo cáo mới nhất từ Khảo sát lương Talentnet - Mercer dự báo, đến 2020, hơn 1/3 bộ kỹ năng của hầu hết các ngành nghề sẽ là sự kết hợp của những kỹ năng chưa từng được nghe nhắc đến trong những bản mô tả công việc hiện nay.
Rõ ràng, sự bứt phá của công nghệ nói trên không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp “chuyển mình” trong cơ cấu tổ chức vận hành và quản trị nhân sự thời đại mới mà còn đòi hỏi người lao động tăng tốc trang bị những kỹ năng mới để phù hợp với yêu cầu mới từ nhà tuyển dụng thời 4.0.
Dưới góc độ của các nhà tuyển dụng, họ đã và đang có những phác đồ nhất định trong chiến lược nhân sự của mình. So với 5 năm trước đây, yêu cầu đối với ứng viên tiềm năng có những điểm khác biệt đáng kể. Càng nhận thức rõ các yêu cầu này, người lao động càng có động lực nâng cao khả năng cạnh tranh của mình trong thị trường sức cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Dưới đây là một số những kỹ năng thời đại mới, kỷ nguyên 4.0 mà người lao động cần trang bị:
1. “Giải mã” thông tin (Coding): Tương tự như một nhân viên lập trình, kỹ năng “giải mã” chính là xác định vấn đề, xem xét các thông tin liên quan nhằm phát triển, đánh giá các phương án và thực thi giải pháp. Nói cách khác, những cá nhân với kỹ năng “giải mã” tốt sẽ giúp tổ chức nâng cao khả năng đương đầu với các vấn đề mới vốn khó xác định trong một hệ thống công nghệ phức tạp. Họ giúp xác định căn nguyên của vấn đề để có những giải pháp tối ưu, hợp lý; thiết lập hệ thống quy củ hơn, đơn giản hóa quy trình, thủ tục và lượng thông tin ngày một lớn. Số lượng nhân viên có kỹ năng phân tích, tư duy hệ thống và chuẩn hóa quy trình sẽ có cơ hội tham gia nhiều hơn vào bộ máy quản lý, đặc biệt ở nhóm công ty có mục tiêu sát nhập, mở rộng.
2. Tinh nhuệ (Agile): Ngày nay, hành vi của khách hàng thay đổi rất nhanh chóng và luôn đòi hỏi những trải nghiệm thú vị trên nền tảng công nghệ. Với những thay đổi về nhu cầu kinh doanh nhằm phục vụ các “thượng đế” một cách tốt nhất, doanh nghiệp đòi hỏi một lực lượng tinh nhuệ phản ứng thật nhanh với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, sẵn sàng ứng biến, đồng thời nghiên cứu phát triển sản phẩm/quy trình với những công nghệ từ tương lai. “Bánh lái” của doanh chủ đã định hướng rẽ, nhưng nếu nhân viên vẫn còn đang sải bước trong một nền kinh tế thị trường cồng kềnh, tính cạnh tranh thấp và còn nặng về công tác hành chính sẽ chịu sự ma sát không nhỏ của chuyển động 4.0 này.
3. Nhận thức linh hoạt (Cognitive Flexibility): Để được xem là có kỹ năng này, đòi hỏi ứng viên phải có sự linh hoạt trong tư duy phản biện, nhạy cảm với vấn đề và sáng tạo trong các giải pháp, đặc biệt ở cấp quản lý. Trong một thế giới VUCA - vốn không ổn định (Volatile), dễ thay đổi (Uncertain), phức tạp (Complex), mơ hồ (Ambiguous)) - đây là kỹ năng cực kỳ cần thiết bởi các vấn đề sẽ luôn tồn tại song song và đan xen phức hợp đòi hỏi góc nhìn và giải pháp đa chiều. Khi đó, tư duy linh hoạt của sếp sẽ tạo được hiệu ứng dây chuyền giúp nhân viên cấp dưới uyển chuyển trong cách nhìn nhận và giải quyết các vấn đề đan xen cùng một lúc.
4. Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence hay EQ): Đây là khả năng “quản trị” cảm xúc của bản thân cũng như của người khác, tối ưu năng lượng tích cực từ các thái cực xúc cảm trong điều phối hiệu quả công việc và ứng xử tình huống với đặc thù ngày càng phức tạp như hiện nay. Người có trí tuệ cảm xúc cao là người tạo được động lực tích cực cho mọi người xung quanh cùng tiến đến mục tiêu chung, hài hòa trong các ứng xử xã hội và giữ thế chủ động trong hầu hết các tình huống. Điều này giúp họ nhạy cảm hơn với những thị hiếu của thị trường, tạo nên những thay đổi, đột phá thức thời cho tổ chức.
5. Hội nhập quốc tế (International exposure/ Ready for Culture & leadership): Những nhà tuyển dụng không ngừng tìm kiếm ứng viên có khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa văn hóa và xây dựng mối quan hệ bền vững trong và ngoài tổ chức, biên giới. Người lao động có thể hoàn thiện kỹ năng làm việc đa văn hóa, đa quốc gia của mình càng sớm càng tốt thông qua các hoạt động giao lưu, chương trình công tác và đào tạo ngắn hạn tại nước ngoài. Khi đó, ứng viên mới có thể cân đo đong đếm năng lực của mình và có định hướng rõ ràng hơn, kịp thời chuẩn bị tâm thế cho các yêu cầu quốc tế hóa của tổ chức.
6. Tư duy hệ thống: Nhìn vào thực tế thị trường kinh doanh tại Việt Nam với xu hướng M&A (sáp nhập), mở rộng và quốc tế hóa mạnh mẽ sẽ dễ dàng nhận ra sự cần thiết của các bộ não có tư duy hệ thống. Kỹ năng này cho phép một cá nhân (thường ở cấp quản lý trở lên) tái thiết lập sơ đồ và quy cách vận hành của một bộ phận, công ty theo định hướng phát triển mới, đồng thời quản lý được các rủi ro tiềm tàng. Đặc biệt, với bối cảnh công nghệ hóa, tư duy hệ thống ngày càng trở thành một kỹ năng giúp “nâng giá” năng lực của các ứng viên cấp cao một cách hiệu quả, nếu không nói là “át chủ bài” tạo nên sự lợi thế cạnh tranh cách biệt cho một ứng viên.
Phải nói thêm, một số doanh nghiệp hiện nay cũng đã dần lĩnh hội được sự cần thiết của nhóm kỹ năng mới này và đưa vào chương trình đào tạo, phát triển cho đội ngũ hiện tại của mình. Về phía người lao động, nhận thức và tự trau đồi các kỹ năng mới sẽ là một lợi thế bền vững cho sự nghiệp của bản thân.
Với kinh nghiệm là tư vấn tuyển dụng và tìm kiếm nhân tài cho các doanh nghiệp, tôi nhận thấy người lao động Việt Nam có những hạn chế và cả tiềm năng đặc trưng, chia đều ở các nhóm đối tượng khác nhau như: Millennials và nhóm lãnh đạo trẻ (mid-career).
Với nhóm lao động trẻ Millennials, hướng tư duy “me-focus” (tập trung và coi trọng cái tôi) mang đến nhiều hạn chế nhất định cho các bạn trong quá trình tìm việc, đi làm và phát triển. Chẳng hạn các bạn rất rõ ràng về mong đợi của bản thân cho những phúc lợi muốn nhận được từ phía nhà tuyển dụng, nhưng nếu trả lời ngược lại cho nhà tuyển dụng là sẽ đóng góp được những gì cho họ, hầu hết đều đưa ra những câu trả lời là mơ hồ.
Sự thiếu kiên nhẫn với lộ trình nghề nghiệp dài hơi của công ty cũng là điểm dễ nhận thấy ở nhóm lao động này khi có thể đặt rất nhiều câu hỏi, nêu ra rất nhiều vướng mắc, nhưng lại thường “hụt hơi” trong việc thấu hiểu định hướng phát triển của mình. Thực tế này đang tạo ra cơn sốt nhảy việc liên tục ở nhóm Millennials trong 5 năm trở lại đây với mức độ loay hoay về việc phát triển nghề nghiệp chưa có dấu hiệu chậm lại. Tuy nhiên, với điểm mạnh nhanh nhạy trong tư duy và lĩnh hội cái mới, những trao đổi thẳng thắn, những hoạt động sáng tạo, cởi mở từ phía doanh nghiệp có thể là cách thức hiệu quả để “giữ” chân nhóm đối tượng này.
Đối với nhóm cấp quản lý và lãnh đạo trẻ (mid-career), cần nắm bắt được sự dịch chuyển của các yêu cầu, kỹ năng cần có trong thời đại mới, tránh tình trạng “sốc phản vệ” trong bối cảnh số hóa như hiện nay. Cụ thể, thay vì chỉ tập trung vào chuyên môn, nhóm lao động này với thâm niên trong ngành có thể mở rộng địa bàn hoạt động của mình ở các dự án nội bộ thiên về tái cấu trúc và số hóa quy trình vận hành. Điều này cho phép họ mài giũa một trong những kỹ năng mới quan trọng như đã đề cập ở trên - tư duy hệ thống, giúp nâng tầm năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động vốn đòi hỏi ngày càng nhiều các quản lý có tầm cả trong chuyên môn và cải tổ văn hóa, hệ thống vận hành của tổ chức theo yêu cầu công nghệ hóa.
Cuối cùng, dù ứng viên cập nhật những kỹ năng hội nhập trong thời đại số ưu việt như thế nào, cần giữ thái độ dung hòa rằng, cá nhân sẽ chỉ phát triển khi tạo ra được sự đồng điệu trong nhu cầu bản thân và các giá trị lợi ích của doanh nghiệp
Nguyễn Thị Quỳnh Phương
Giám đốc Dịch vụ Tư vấn nhân sự và Tuyển dụng cấp cao Talentnet