Nâng chất lượng điều hành - tăng hiệu quả đầu tư

Phan Nam 22/08/2018 16:36

Hải Phòng đặt mục tiêu vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt hoặc rất tốt, nâng vị trí xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong tốp 3 – 5/63 tỉnh, thành phố.

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan công trường xây dựng Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan công trường xây dựng Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện Vinfast.

Năm 2017, Hải Phòng lần đầu tiên lọt vào Top 10 (đứng thứ 9) trong bảng xếp hạng PCI, tăng 5,05 điểm và tăng 12 bậc so với năm 2016, nằm trong top 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam.

Hành động thực chất

Để đạt được kết quả trong Top 10 PCI cả nước, thành phố Hải Phòng đã thực hiện các giải pháp đồng bộ. Thành phố ban hành nhiều văn bản mang ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ, tạo sự hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố như: Hằng năm ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ qua 3 năm 2015, 2016, 2017; ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 05/7/2017 về việc tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp. Đặc biệt, Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 22/8/2017 nâng cao nâng cao chỉ số PCI của Thành phố giai đoạn 2017 - 2018.

Trong giai đoạn từ 2012 đến nay, thành phố Hải Phòng đã ban hành và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để đầu tư cho các dự án hạ tầng lớn, quan trọng của thành phố. Thành phố lựa chọn, phân bổ một cách khoa học, hợp lý vốn đầu tư, tập trung dứt điểm từng công trình, hạn chế tối đa khởi công mới, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công. Hải Phòng đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên để ngày 29/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng.

Hằng năm, thành phố xác định danh mục và tập trung vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật có sức lan tỏa lớn, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng. Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Đẩy mạnh vận động các đối tác, các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình, dự án.

  Hải Phòng phấn đấu nâng vị trí xếp hạng PCI trong tốp 3 – 5/63 tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tiếp tục tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ hành chính công lên mức độ 3, mức độ 4. Điểm đột phá trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở Hải Phòng trong năm 2016 là thành lập và đi vào hoạt động của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hải Phòng. Việc thành lập Trung tâm xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng nhu cầu giải quyết nhanh chóng các thủ tục về đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khi đầu tư và triển khai dự án trên địa bàn thành phố. Trung tâm là đầu mối duy nhất tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính về đầu tư, thực hiện sự kết nối giữa các thủ tục từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án - những thủ tục trước đây được giải quyết tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường. Thủ tục đăng ký doanh nghiệp cũng được rút ngắn đáng kề. Thời gian trung bình để xử lý hồ sơ thành lập mới và hồ sơ đăng ký thay đổi là dưới 2,5 ngày làm việc; số hồ sơ cấp thành lập mới qua mạng chiếm tỷ lệ 60%. Khai, nộp thuế điện tử đạt 100% số số doanh nghiệp thuộc diện khai và nộp thuế điện tử.

Từ tháng 9 năm 2016, thành phố đã tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp định kỳ hàng tháng để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.

Dư địa cải cách lớn

Việc nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo và phục vụ của Thành phố không chỉ giúp môi trường kinh doanh thay đổi theo hướng cởi mở mà hoạt động thu hút đầu tư đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng thiết thực và chọn lọc hơn.

p/Công nhân Công ty LGE trên dây chuyền lắp ráp máy điện thoại xuất khẩu.

Công nhân Công ty LGE trên dây chuyền lắp ráp máy điện thoại xuất khẩu.

Ông Trần Việt Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết: Một số lĩnh vực Hải Phòng đang tập trung thu hút đầu tư là: ngành sản xuất sử dụng công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản gắn với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp; các ngành dịch vụ gắn với cảng biển, cảng hàng không có giá trị gia tăng cao, trung tâm logistics quy mô khu vực; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vac-xin, sinh phẩm), bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia... .

Về đối tác chiến lược trong thu hút đầu tư, Hải Phòng hướng tới và tập trung xúc tiến các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và quốc tế có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà đầu tư có thương hiệu, có năng lực tài chính và trình độ, kinh nghiệm quản lý, có khả năng liên kết và tác động tích cực đến các doanh nghiệp của địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ.

Dư địa cải cách còn rất lớn, để tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh và xếp hạng của chỉ số PCI, UBND thành phố Hải Phòng vừa ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND "về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 – 2019 và có tính đến các năm tiếp theo" nhằm đưa thành phố Hải Phòng vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt hoặc rất tốt; phấn đấu điểm số PCI đạt trên 65 điểm, nâng vị trí xếp hạng trong tốp 3 – 5/63 tỉnh, thành phố.

UBND thành phố đã giao các sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan thực hiện: Cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần PCI, khắc phục và cải thiện mạnh mẽ hạn chế của 3 chỉ số bị giảm điểm đến năm 2017 gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí thời gian. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện các chỉ số thành phần chỉ số PCI gồm: chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền địa phương, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố; xây dựng niềm tin giữa các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nâng chất lượng điều hành - tăng hiệu quả đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO