Bất chấp còn những rào cản, năng lượng tái tạo được cho sẽ đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng từ AI và trung tâm dữ liệu và dần thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Một chủ đề gây tranh cãi những năm qua là nhiên liệu hóa thạch hay năng lượng tái tạo sẽ là nguồn cung năng lượng chủ đạo của nền kinh tế thế giới trong tương lai.
>>Thế giới vẫn đầy trắc trở với năng lượng tái tạo
Nhiều chuyên gia chỉ ra, trong khi thế giới đổ hàng nghìn tỷ USD vào nghiên cứu và triển khai các mạng lưới điện gió hay điện mặt trời, hiệu quả của nó là chưa tương xứng. Ngày nay, 84% nguồn cung cấp điện trên thế giới vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch.
Kể cả trong lĩnh vực công nghệ cao như trung tâm dữ liệu, năng lượng tái tạo được cho là không đủ tin cậy để duy trì sự ổn định của các dự án tiêu tốn rất nhiều năng lượng này.
Nhưng bác bỏ những lập luận đó, ông Dan Shugar, Giám đốc điều hành của Nextracker, một công ty năng lượng mặt trời ở Mỹ, cho biết các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu của Big Tech sẽ khiến năng lượng tái tạo trở thành lựa chọn ưu tiên cho các trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, chi phí ngày càng thấp và việc triển khai nhanh chóng trong tương lai cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu năng lượng mặt trời.
Nextracker đang xây dựng các hệ thống cho phép các tấm pin mặt trời theo dõi vị trí của mặt trời, giúp tăng hiệu suất của các nhà máy điện tái tạo. Công ty này cho đến nay đã truyền khoảng 100 gigawatt điện, gấp đôi phụ tải điện cao điểm của California.
Ông Shugar chỉ ra có hơn 1.500 gigawatt dự án sản xuất điện đang có nhu cầu kết nối với lưới điện. Theo Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, một phòng thí nghiệm được Bộ Năng lượng tài trợ, năng lượng mặt trời chiếm 70% trong số các dự án đó, tương đương 1.028 gigawatt.
Khi tính cả năng lượng gió, có khoảng 1.400 gigawatt năng lượng tái tạo đang tìm kiếm kết nối với lưới điện, nhiều hơn toàn bộ công suất lắp đặt của lưới điện Hoa Kỳ. Mặt khác, các dự án khí đốt chỉ chiếm 79 gigawatt, tương đương 5% điện năng để kết nối.
Shugar nói với CNBC trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Sẽ có một ít khí đốt, nhưng chúng tôi tin rằng dựa trên dữ liệu do DOE công bố, nguồn năng lượng chủ yếu cho các trung tâm dữ liệu này sẽ là năng lượng tái tạo”.
>>"Nóng" cuộc đua sản xuất hydro xanh toàn cầu
Goldman Sachs ước tính rằng nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu sẽ tăng hơn gấp đôi lên 8% tổng mức tiêu thụ điện của Hoa Kỳ vào năm 2030.
Shugar cho biết, trong khi các trung tâm dữ liệu cũ hơn có thể có quy mô từ 100 đến 200 megawatt thì một số trung tâm dữ liệu siêu lớn ngày nay có thể lên tới 1.000 megawatt. Điều đó tương đương với năng lượng được sản xuất bởi một nhà máy hạt nhân trung bình.
Theo báo cáo tháng 4 từ Goldman Sachs, khí đốt tự nhiên cung cấp 60% mức tăng trưởng nhu cầu điện từ các trung tâm dữ liệu. Trong khi năng lượng tái tạo cung cấp 40%, một khoảng cách không quá lớn.
Goldman ước tính rằng lượng khí thải carbon từ các trung tâm dữ liệu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2030 lên khoảng 220 triệu tấn, hay 0,6% lượng khí thải năng lượng toàn cầu nếu vẫn sử dụng khí đốt làm nguồn cung năng lượng. Điều này là động lực cho sự chuyển hướng của các công ty công nghệ lớn.
Microsoft gần đây đã ký một thỏa thuận lớn về năng lượng tái tạo với Brookfield Asset Management. Các công ty mô tả thỏa thuận này là thỏa thuận năng lượng tái tạo lớn nhất được ký kết giữa hai đối tác doanh nghiệp cho đến nay.
Tuy nhiên, sự lo ngại của các nhà đầu tư vẫn chưa được giải quyết, như thủ tục kết nối với lưới điện, khả năng lưu trữ hay sự thiếu ổn định.
Maheep Mandloi, Giám đốc nghiên cứu năng lượng sạch tại Mizuho Securities, cho biết: “Nếu bạn muốn xây dựng một dự án mới có thể tái tạo hoặc bất kỳ dự án mới nào kết nối với lưới điện, sẽ phải mất ít nhất hai đến ba năm để có được tất cả các phê duyệt kết nối”.
Shugar cho biết tình trạng chậm trễ về thủ tục có thể là một vấn đề đối với một số dự án, nhưng một khi quá trình kết nối hoàn tất, quá trình xây dựng sẽ diễn ra nhanh chóng. Ông cho biết, các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch có chu kỳ phát triển dài hơn năng lượng tái tạo, khó cấp phép hơn và phải đối mặt với vấn đề chi phí nhiên liệu thay đổi.
Ông Dan Shuga cũng bác bỏ lập luận rằng điều kiện thời tiết thay đổi hoặc không liên tục gây ra vấn đề cho năng lượng tái tạo. Lý do là công nghệ lưu trữ pin đang ngày càng tiến bộ.
Hầu hết các dự án năng lượng mặt trời mà Nextracker tham gia đều có bộ lưu trữ pin gắn liền với chúng. Pin lưu trữ năng lượng để triển khai khi mặt trời mờ dần hoặc điều kiện gió không mạnh.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng, dung lượng pin ở Mỹ dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi trong năm nay lên 14,3 gigawatt. Hiện có 1.000 gigawatt dung lượng lưu trữ đang chờ kết nối. Theo Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley, tổng cộng có 2.480 gigawatt đường dây năng lượng mặt trời, gió và lưu trữ sẽ được kết nối - gần gấp đôi công suất hiện tại của lưới điện Mỹ.
Có thể bạn quan tâm
Chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam: Tăng tốc nhưng chưa đủ
11:30, 01/06/2024
Ninh Thuận đề xuất Ủy ban Châu Âu hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo
19:19, 29/05/2024
ASEAN nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi năng lượng
03:00, 28/05/2024
Châu Á đối mặt bài toán năng lượng khi phát triển trung tâm dữ liệu
03:00, 05/05/2024
Lạm phát xanh "cản bước" Đông Nam Á chuyển đổi năng lượng
03:00, 25/04/2024