Chương trình đào tạo nâng cao dành cho startup là hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ...
Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN TP Cần Thơ vừa tổ chức Chương trình đào tạo nâng cao dành cho startup. Qua đó, các cá nhân, nhóm cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiểu rõ hơn về bản chất của quá trình khởi nghiệp; các chuyên gia chia sẻ cách thức tận dụng nguồn lực, vận hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hậu COVID-19. Đây cũng là cơ hội để các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có cơ hội kết nối hỗ trợ nhau cùng phát triển, đóng góp chung vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả vùng.
Chương trình đào tạo nâng cao dành cho startup là hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 175/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Chương trình đào tạo lần này thu hút được 50 học viên là các nhà quản lý, giám đốc điều hành, sáng lập, đồng sáng lập của các dự án startup, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sinh viên, giảng viên… đến từ 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Năm 2020, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19. Vì vậy, khóa học này chúng tôi thiết kế hướng đến việc củng cố thêm kiến thức cũng như hình thành các kỹ năng trong xây dựng, hoàn thiện các mô hình kinh doanh. Từ đó giúp startup nhận thức đúng và thích ứng với những thay đổi từ thị trường và có bước chuyển đổi, cho ra thị trường những sản phẩm phù hợp.
Theo đó, ngày thứ nhất, học viên tiếp cận cách thức nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ phòng lab ra thị trường (đặc biệt các sản phẩm có nguyên liệu xuất xứ từ khu vực ÐBSCL). Ngày thứ 2, học viên hiểu và áp dụng kỹ năng, cách thức bán hàng, nghiên cứu thị trường trong các mô hình B2B, B2C, C2C, … Ngày thứ ba, học viên học cách xây dựng hạ tầng và mô hình kinh doanh trên eCommerce. Ngày thứ tư, áp dụng Chiến lược Ðại Dương Xanh, tư duy thiết kế (Design Thinking) trong kinh doanh và phát triển sự nghiệp. Ngày thứ năm, startup biết cách thức hiểu tâm tư, kỳ vọng khách hàng; xây dựng hệ thống quản lý nhân sự tinh gọn cho doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Chị Huỳnh Thị Kim Ngân, Chủ Cơ sở Trung Nhân - Hương sắc tự nhiên, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: Tôi bắt đầu khởi nghiệp từ 5 năm trước với dòng sản phẩm màu tự nhiên làm từ hoa đậu biếc, trái gấc, lá dứa... Hiện sản phẩm của tôi được tiêu thụ tại một số tỉnh, thành vùng ÐBSCL, miền Trung. Tuy nhiên, cái khó khi đưa sản phẩm ra thị trường là làm sao để người tiêu dùng tin sản phẩm của mình bởi họ vốn mất lòng tin từ phẩm màu hóa học độc hại. Tôi đam mê làm màu, nghiên cứu màu và không ngừng hoàn thiện sản phẩm mình làm ra nhưng chưa có kỹ năng bán hàng, thuyết phục khách hàng. Vì vậy, tham gia khóa học, tôi mong muốn các chuyên gia hướng dẫn cho mình cách thức làm thế nào để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với vai trò là người truyền cảm hứng và trực tiếp giảng dạy tại các chương trình đào tạo về khởi nghiệp do Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ tổ chức, ông Phan Ðình Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Angles 4 Us, chia sẻ: Hậu COVID-19 trật tự thế giới sẽ thay đổi kéo theo đó là xu hướng tiêu dùng, xu hướng thương mại cũng thay đổi. Với 5 ngày học, mỗi ngày học viên được truyền đạt nội dung khác nhau. Và nếu xâu chuỗi lại sẽ mang đến nhiều thông tin, kiến thức và kỹ năng hữu ích cho startup trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn truyền tải thông điệp đến doanh nghiệp là dù trong hoàn cảnh nào, đi kèm với khó khăn, thách thức luôn là cơ hội mở ra. Với điều kiện hạ tầng, môi trường kinh doanh của ÐBSCL là điều kiện thuận lợi để startup phát triển và bứt phá.
Theo phản ánh từ học viên, khóa đào tạo được kết hợp giữa các bài giảng cùng các buổi thảo luận nhóm, thuyết trình; trao đổi trực tiếp theo hình thức hỏi đáp giữa người học và giảng viên. Nhờ đó, kiến thức của chương trình được truyền đạt thông suốt cũng như tùy chỉnh phù hợp cho mỗi doanh nghiệp và startup. Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Xuất nhập khẩu VinaStarch, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Ðến với lớp học, tôi tâm đắc nhất là mô hình quản lý tinh gọn và có thể vận dụng cho hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, hành trình khởi nghiệp gặp vô vàn khó khăn nên tôi mong muốn được sự tiếp sức của các quỹ hỗ trợ, cố vấn khởi nghiệp để hướng dẫn, định hướng cho hoạt động khởi nghiệp của mình”.
Ông Vũ Minh Hải nhấn mạnh: “Năm 2018, 2019 hoạt động khởi nghiệp của ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng diễn ra sôi nổi với nhiều ý tưởng, sản phẩm dự kiến “trình làng” vào năm 2020 này. Tuy nhiên, do dịch COVID-19, các hoạt động này bị chựng lại. Trong “cái khó ló cái khôn” nhiều doanh nghiệp, startup đã có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh, hình thành nhiều ý tưởng phù hợp tình hình mới. Với khóa học này, chúng tôi mong muốn tiếp sức cho startup hoàn thiện ý tưởng, mô hình kinh doanh để làm nền tảng để phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2021”.