Nửa thế kỷ đã trôi qua, nền tảng tinh thần của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã tạo nên tiền đề chiến lược cho kỷ nguyên phát triển bền vững.
Tháng 4 năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm đã thắng lợi vẻ vang, đất nước ta hoàn toàn độc lập tự do, non sông thu về một mối. Dân tộc Việt Nam bước vào chặng đường mới: dựng xây đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di huấn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ qua, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực và toàn cầu. Với vị trí địa kinh tế trọng yếu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khát vọng phát triển mạnh mẽ, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư và kết nối sâu rộng đến các thị trường thế giới. Không chỉ là một trong 15 quốc gia dẫn đầu thế giới về thu hút FDI, Việt Nam đã ký kết và trở thành thành viên trong nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA); đồng thời đang thúc đẩy các FTA với một số đối tác mới... Việt Nam đã có một số doanh nghiệp lớn tham gia cạnh tranh quốc tế, tham gia một số khâu, công đoạn của chuỗi giá trị sản xuất khu vực và thế giới.
Vươn mình trở thành hình mẫu của đổi mới phát triển kinh tế, sáng tạo và hội nhập là minh chứng rõ ràng cho sự đúng đắn trong đường lối mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế mà Đảng và Nhà nước ta đã lựa chọn. Hành trình đổi mới phát triển những thập kỷ qua và những năm tiếp theo được kiến tạo bởi tiền đề lịch sử mở ra kỷ nguyên phát triển độc lập, tự chủ, hội nhập, hiện đại hóa của đất nước và tinh thần chủ động nắm bắt thời cơ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh truyền thống, ý chí tự lực, tự cường với yêu cầu thời đại của Đại thắng mùa Xuân 1975.
Những ngày tháng 4 lịch sử của năm 2025, sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị thế và lực cho giai đoạn mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển và vươn mình của dân tộc. Với vị trí quan trọng ở khu vực Đông Nam Á có nhiều tiềm năng phát triển nhanh, Việt Nam đã rất nỗ lực nắm bắt nhanh các cơ hội lớn từ những xu thế mới gắn liền với Cách mạng ông nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tư duy, giải pháp chính sách cho ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển bền vững đã và đang được xây dựng, cụ thể hóa.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó là những quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân dự kiến được ban hành trong thời gian tới đã tạo ra động lực tăng trưởng bền vững, lâu dài cho nền kinh tế; “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở thị trường quốc tế và trong nước. Kinh tế đất nước muốn vươn mình, không thể thiếu đội ngũ doanh nhân phát huy vai trò tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Đồng thời, tiếp tục củng cố vị thế đưa Việt Nam đã trở thành “quê hương mới” của nhiều nhà đầu tư lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta đã thẳng thắn nhận diện nền kinh tế đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như rủi ro về bẫy thu nhập trung bình, các yếu tố tạo động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh... Tuy nhiên, tâm thế mới cho phép chúng ta tin tưởng, các khó khăn, thách thức có thể trở thành “áp lực tích cực” để Việt Nam quyết liệt hơn trong việc thực hiện các cải cách kinh tế có tính căn bản hơn, tập trung vào đổi mới, sáng tạo và hội nhập để nền kinh tế có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 và các thập niên tiếp theo.
Trong đó, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy liên kết doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quy mô lớn đóng vai trò liên kết, quy tụ, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước ở một số ngành, lĩnh vực có thể đem lại vị thế quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.