Giới chuyên gia nhận định, kể cả khi Ukraine phản công thắng lợi, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc Nga sẽ xuống thang và bước vào đàm phán hòa bình.
Trước cuộc phản công quy mô lớn của Kiev, nhiều quan chức phương Tây đã nghĩ đến một cái kết cho chiến sự Nga- Ukraine vốn đã bước sang năm thứ 2. Các nguồn lực của Nga đang cạn kiệt, người dân Nga cũng ngày càng mệt mỏi với chiến tranh. Đó là một trong số lý do để nhiều người kỳ vọng hai bên sẽ nắm lấy cơ hội để bước vào vòng đàm phán nhằm kết thúc chiến tranh.
>>"Lộ diện" ứng viên tiềm năng cho chức tân Tổng thư ký NATO
Kịch bản đó được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ủng hộ tại một cuộc họp trong tuần, nói rằng một cuộc phản công thành công của Ukraine có thể khiến ông Putin cuối cùng sẽ hướng vào việc đàm phán chấm dứt cuộc chiến.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng kỳ vọng đó có phần quá lạc quan, khi tương lai của cuộc chiến hoàn toàn phụ thuộc vào quyền quyết định của Tổng thống Nga V.Putin. Thậm chí, nhiều nhà quan sát cho rằng bất kể kết cục của cuộc phản công ra sao, Nga vẫn còn nhiều động lực để theo đuổi xung đột đến cùng thay vì tìm cách chấm dứt nó.
Thứ nhất, giới tinh hoa và phần lớn người dân Nga vẫn tin tưởng và ủng hộ tầm nhìn của ông Putin đối với Ukraine.
Đối với người Nga, vấn đề Ukraine không hề đơn giản. Việc Kiev cố gắng dứt bỏ mọi liên hệ trong quá khứ và hiện tại với Nga kể từ thời Tổng thống Zelensky đã trở thành nguồn cơn gây ra sự phẫn nộ lớn cho Nga. Ông Putin đã coi đây là bàn đạp để thúc đẩy một cuộc chiến nhằm khẳng định vị thế của Nga, thay vì là một mâu thuẫn chính trị đơn thuần, theo ông Maxim Samorukov, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Á-Âu Carnegie.
Có một thực tế là phần lớn các cuộc thăm dò dư luận vẫn cho thấy ông Putin nhận được sự hậu thuẫn của phần đông người dân. Mặc dù có sự gia tăng về tâm lý mệt mỏi với chiến tranh, nhưng hầu hết vẫn cho rằng Nga sẽ đi đúng hướng dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Putin.
Nga dường như sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán nếu Ukraine thất bại và phương Tây nhân nhượng. Nếu chiến dịch phản công của Ukraine thắng lợi, đó lại càng không phải là lý do để lãnh đạo Nga bước vào đàm phán. Đối với cá nhân ông Putin, việc chấm dứt xung đột theo cách đó sẽ là một “thảm họa” cho vị thế và lịch sử của cả nước Nga, cũng như của riêng mình.
Thứ hai, Nga vẫn có đủ nguồn lực theo đuổi cuộc chiến bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo các nhà quan sát, nếu Mỹ và phương Tây kỳ vọng sự thiệt hại về kinh tế và chính trị do các lệnh trừng phạt có thể cản bước Nga, thì họ dường như đã nhầm.
Nga đã quen với cách thức để vượt qua các đòn tấn công kinh tế suốt một thập kỷ gần đây, đặc biệt từ khi Moscow sát nhập Crimea năm 2014. Chính quyền ông Putin đã có sự chuẩn bị bằng việc định hướng lại ngoại thương theo hướng ít phụ thuộc vào phương Tây hơn suốt thời gian đó. Năm 2022, kim ngạch thương mại của Nga với châu Âu giảm hơn một nửa, trong khi thương mại với Trung Quốc tăng hơn 40% và tăng gấp 2,6 lần với Ấn Độ.
Sự hỗ trợ âm thầm của các “đồng minh” cũng là yếu tố để Nga duy trì một cuộc chiến dài hơi. Dù nhiều nhà quan sát nghi ngờ bản chất quan hệ hợp tác của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ thời điểm này, thì Moscow vẫn đạt được những điều mình muốn – các nguồn lực để duy trì chiến tranh - bất chấp việc phải hi sinh một số lợi ích về kinh tế và vị thế quốc tế.
Nhu cầu của Moscow cũng trùng khớp với quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ. Với chung một “đối thủ”, hai cường quốc Á – Âu có lý do để tăng cường hợp tác mạnh mẽ chưa từng có. Trong 2 tháng qua, một loạt các lĩnh vực hợp tác mới được quan chức hai bên thúc đẩy, bao gồm cách thức đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây về cả năng lượng và quân sự.
Ukraine và phương Tây lâu nay giận dữ trước việc hầu hết các quốc gia Nam bán cầu đứng về phía Nga trong cuộc xung đột. Điều này khiến chính phủ của ông Zelensky đầu năm nay phải triển khai một chương trình tham vọng nhằm tăng cường hiện diện ngoại giao của Kiev tại châu Phi, Trung Đông và châu Á. Tuy nhiên, hiệu quả của chúng đến đâu thì vẫn còn là một ẩn số, nhất là khi Ukraine khó có thể so sánh với Nga về vị thế và tiềm lực.
>>Dồn lực phản công, Ukraine đủ sức "đánh bật" Nga?
Những chuyển động của Nga thời gian qua cũng cho thấy Moscow đã sẵn sàng cho một cuộc xung đột lâu dài thay vì nghĩ tới điểm kết thúc của nó. Việc siết chặt quân dịch, hay huy động lực lượng sản xuất cho công nghiệp quốc phòng là những bước đi rõ ràng nhất cho thấy kết cục của cuộc phản công sẽ khó làm Nga lùi bước.
Có thể bạn quan tâm
Chiến sự Nga - Ukraine: Cuộc phản công của Kiev đã bắt đầu?
04:00, 09/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Vụ vỡ đập Kakhovka có lợi cho ai?
04:30, 08/06/2023
"Hé lộ" giải pháp giúp hóa giải chiến sự Nga - Ukraine
04:06, 07/06/2023
Chiến sự Nga - Ukraine: Mỹ sẽ có kế hoạch kết thúc cuộc chiến?
04:30, 07/06/2023