Nga Sơn: Đột phá phát triển kinh tế toàn diện

Kiều Thị 08/01/2019 22:07

Năm 2018, là năm đánh dấu ấn khá thành công trong phát triển kinh tế huyện Nga Sơn, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,5%; tổng thu ngân sách 342,4 tỷ đồng, vốn đầu tư gần 1.779 tỷ đồng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có hiệu quả của các cấp ủy đảng, chính quyền, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, huyện Nga Sơn đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện.

Trong 18 chỉ tiêu phát triển trên các lĩnh vực đã được nghị quyết của Huyện ủy Nga Sơn đề ra, đến hết năm 2018, huyện đã hoàn thành và vượt 11 chỉ tiêu, cơ bản hoàn thành 7 chỉ tiêu, là năm đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay trong thực hiện nhiệm vụ chung. Trong năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện đạt 13,5%; thu nhập bình quân ước đạt 34,1 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 342,4 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển gần 1.779 tỷ đồng. Nông nghiệp được mùa, giá trị sản xuất trung bình trên mỗi ha canh tác đạt 130 triệu đồng/ha; thêm 5 xã đã được công nhận hoặc được duyệt hồ sơ hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới…

Người dân làng Viềng xã Nga Trường đang thu hoạch rau cải bó xôi để xuất khẩu sang Nhật Bản. Một hướng đi mới cho rau trồng vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao huyện Nga Sơn

Người dân làng Viềng xã Nga Trường đang thu hoạch rau cải bó xôi để xuất khẩu sang Nhật Bản. Một hướng đi mới sản xuất  rau an toàn vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ nguồn vốn đầu tư, huyện Nga Sơn đã triển khai xây dựng nhiều công trình thuộc kết cấu hạ tầng, như: Kè sông Hưng Long gắn với chỉnh trang môi trường; đường Từ Thức kéo dài đấu nối với đường tỉnh 527B qua xã Nga Yên; một số tuyến đường để khai thác và phát huy quỹ đất, hạ tầng khu dân cư phía Bắc sông Hưng Long...

Huyện Nga Sơn đã xây dựng 3 chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản tại các xã Nga Bạch, Nga Thủy và Nga Tân. Để xây dựng chuỗi cung ứng thủy sản, các xã đã rà soát, lựa chọn các mô hình phù hợp, xây dựng các hoạt động cụ thể để tổ chức triển khai. Các chuỗi cung ứng thủy sản được kiểm soát chặt chẽ tất cả các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các xã đã tổ chức cho các thuyền khai thác hải sản cam kết khai thác, bảo quản hải sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong nuôi trồng thủy sản các công đoạn đều áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGap, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về an toàn thực phẩm. Sản lượng tiêu thụ thông qua chuỗi hàng năm đạt gần 1.000 tấn thủy, hải sản.

Riêng với diện tích trồng cói, một trong những cây trồng truyền thống của địa phương, cũng được cải tạo, thâm canh tăng năng suất. Nhờ các chính sách hỗ trợ hợp lý, sản lượng cói tăng lên hơn 1.000 tấn đã cho thấy hiệu quả từ việc trồng cói ở Nga Sơn đang có bước phát triển nhanh. Sản lượng cói tăng lên cũng chính là điều kiện thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong huyện phát triển bởi nguồn nguyên liệu từ cói dồi dào hơn, chủ động hơn.

Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sản xuất

Các sản phẩm từ nguyên liệu cói Nga Sơn như: Chiếu, thảm, túi, dép, đồ đựng nữ trang... vẫn được thị trường ưa chuộng, đem lại nguồn lợi phát triển kinh tế làng nghề truyền thống

Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Nga Sơn cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này đã đạt 18% mỗi năm, với tổng giá trị hàng năm đạt gần 1.500 tỷ đồng. Lĩnh vực dịch vụ, thương mại của huyện trong hơn nửa nhiệm kỳ qua cũng duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 16%/năm; giá trị xuất khẩu hằng năm đạt từ 102 đến hơn 110 triệu USD, chủ yếu là mặt hàng may mặc, cói nguyên liệu và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ cói. Nhiều tụ điểm dịch vụ, thương mại ở các xã, thị trấn trong huyện phát triển nhanh, phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng. Mạng lưới chợ nông thôn đang được quản lý, chuyển đổi mô hình hoạt động; trong đó có chợ thị trấn Nga Sơn khang.

Từ kết quả đạt được năm 2018, nhiều chỉ tiêu phát triển của năm 2019 đã được lãnh đạo huyện đề ra, như: Tốc độ tăng giá trị sản xuất từ 13,5% trở lên; thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu 60 triệu USD trở lên, thành lập mới 60 doanh nghiệp trở lên; tổng sản lượng lương thực 58.000 tấn, sản lượng cói khô 12.000 tấn; thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 xã đạt “xã nông thôn mới nâng cao”; 95% dân số trở lên được dùng nước sạch…

Nhìn lại những năm qua, hiệu quả việc tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nông nghiệp và dịch vụ du lịch đạt hiệu quả đã đưa kinh tế huyện Nga Sơn phát triển ấn tượng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Chính nhờ vào sự đồng lòng của toàn dân cùng những giải pháp kịp thời, quyết liệt từ ban lãnh đạo, tin tưởng huyện Nga Sơn sẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, theo mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nga Sơn: Đột phá phát triển kinh tế toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO