Theo dự thảo Thông tư mới đây của NHNN, những ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ không phải thực hiện dự trữ bắt buộc...
Đảm bảo an toàn hoạt động
Việc NHNN chuẩn bị giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với một số tổ chức tín dụng (TCTD) đang lan truyền khá nhanh trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc là lượng tiền mà các ngân hàng phải gửi và duy trì tại NHNN theo một tỷ lệ nhất định trên số dư tiền gửi bình quân, nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động cũng như thanh khoản. Bên cạnh lãi suất, tăng trưởng tín dụng, dự trữ bắt buộc là một trong những công cụ tác động đến hoạt động các ngân hàng cũng như điều hành chính sách tiền tệ. Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc thay đổi, các ngân hàng sẽ phải cân đo đong đếm lại các tỷ lệ thanh khoản, cho vay, huy động để đáp ứng, từ đó cũng ảnh hưởng lớn đến các hệ số sinh lời. Chính vì vậy, NHNN thường rất thận trọng khi sử dụng công cụ này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính ngân hàng, trong nhiều năm qua ở nhiều nước trên thế giới, các ngân hàng thương mại có khả năng biến những khoản tiền gửi ban đầu thành những khoản tiền gửi mới cho cả hệ thống, tạo ra bội số tín dụng, tức là khả năng tạo tiền. Để khống chế khả năng này, Ngân hàng Trung Ương buộc các ngân hàng thương mại phải trích một phần tiền huy động theo một tỷ lệ quy định gửi vào Ngân hàng Trung ương không được hưởng lãi. Do đó, cơ chế hoạt động của công cụ dự trữ bắt buộc nhằm khống chế khả năng tạo tiền, hạn chế mức tăng bội số tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Nhóm ngân hàng nào được ưu tiên?
Ông Nguyễn Quốc Hùng- Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, có rất nhiều thông tin cho rằng NHNN điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc sau nhiều năm nhưng thực sự vấn đề không phải như vậy. Bởi mới đây NHNN đã tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, theo đó có điều chỉnh lại đối tượng áp dụng, chứ không giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Theo đó, về đối tượng áp dụng, các quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc loại trừ các đối tượng sau:
Thứ nhất, TCTD được kiểm soát đặc biệt sau khi có văn bản gửi NHNN theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này để thông báo việc không thực hiện dự trữ bắt buộc theo quy định khoản 3 Điều 146đ Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14.
Thứ hai, TCTD chưa khai trương hoạt động và TCTD có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có thẩm quyền.
Nhóm đối tượng trên hiện có Ngân hàng Đông Á (sau khi bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 và tiến hành tái cơ cấu), ba ngân hàng thương mại mà NHNN mua lại giá 0 đồng.
Ngoài ra, dự thảo thông tư mới cũng bổ sung thêm đối tượng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu đủ điều kiện. Cụ thể, theo khoản 7 điều 148đ của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, thì TCTD hỗ trợ ngân hàng tái cơ cấu được vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi đến mức 0%, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo phương án phục hồi đã được phê duyệt.
Được biết, trong những năm qua Vietcombank, VietinBank, BIDV đã lần lượt tham gia hỗ trợ tái cơ cấu tại DongA Bank, CB Bank, Ocean Bank và GP Bank, khi các ngân hàng này thực hiện tái cơ cấu bắt buộc. Do vậy, 3 ngân hàng trên nếu được điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ chiếm thị phần cao nhất trong hệ thống.
Như vậy, có thể thấy NHNN hoàn toàn không nhắc gì đến việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc theo quy định hiện nay là 3% và 1% đối với tiền đồng; 8% và 6% đối với ngoại tệ, mà chỉ đơn thuần hợp thức hóa quy định các đối tượng được phép miễn dự trữ bắt buộc hoặc được phép áp dụng tỷ lệ thấp hơn nếu thỏa mãn điều kiện theo Luật đã ban hành hồi năm 2017.