Nút thắt nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến gỗ cần được giải quyết thông qua việc quy hoạch trồng rừng đảm bảo chủ động nguyên liệu chất lượng cho sự phát triển bền vững của ngành.
Theo đại diện Công ty Hướng Mai (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh), nguồn gỗ nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp, nên hầu hết doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
Điều này khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ rơi vào tình trạng có doanh thu xuất khẩu cao, nhưng lợi nhuận thu được rất thấp.
Thậm chí, ông Hoàng Ích Tuân, đại diện Công ty Tekcom còn cho biết thêm, mặc dù giá thu mua gỗ cao, nhưng doanh nghiệp này vẫn phải đối mặt với rủi ro nguồn cung không ổn định.
“Các đối tác nước ngoài thường đặt đơn hàng ngắn nhất là 6 tháng, nhưng với lượng và giá mua gỗ không ổn định như hiện nay sẽ khiến không doanh nghiệp nào dám ký đơn hàng dài hạn”, ông Tuân nói.
Trên thực tế, bài toán “khát” nguyên liệu của ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt vẫn chưa tìm ra lời giải. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, nguyên liệu gỗ trong nước mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Cùng với đó, chất lượng nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non.
Chia sẻ với DĐDN về vấn đề này, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương bày tỏ lo ngại, doanh nghiệp Việt Nam không có liên kết chuỗi về nguyên liệu, trong khi nguyên liệu hiện chiếm tới 45% giá thành sản phẩm.
“Chính vì không có sự liên kết giữa nguồn cung nguyên liệu với đơn vị sản xuất, nên cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường lớn của ngành gỗ chỉ là trên lý thuyết”, ông Hiệp nói.
Hiện nguồn nguyên liệu trong nước tập trung vào hai loại là gỗ cao su và gỗ tràm, đây là hai loại có nhiều nhưng chất lượng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của ngành.
“Mặc dù nguyên liệu cho ngành sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu phần lớn đã sử dụng nguyên liệu trong nước, tuy nhiên chất lượng chưa đạt đó là điều chúng tôi rất băn khoăn, cần đưa chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ cao hơn”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Trong khi đó, để đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ, lâm sản 11 tỷ USD năm 2019, cần đảm bảo cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản khoảng 45 triệu m3, trong đó nguyên liệu cho chế biến gỗ xuất khẩu khoảng 38 triệu m3, tăng khoảng gần 3 triệu m3 từ nguồn nguyên liệu trong nước so với năm 2018, điều này cho thấy nhu cầu nguyên liệu ngày càng lớn, yêu cầu cũng ngày một khắt khe, nhất là đòi hỏi về đảm bảo gỗ hợp pháp, là khó khăn mà không phải doanh nghiệp gỗ nào cũng vượt qua được.
“Năm nay, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu với các doanh nghiệp Trung Quốc. Bởi thông tin từ thị trường cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tỏa đi các thị trường, trong đó có Việt Nam và các nước Đông Nam Á để thu mua nguyên liệu…”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết.
Có thể bạn quan tâm
13:39, 22/02/2019
16:48, 21/02/2019
06:06, 05/02/2019
06:16, 01/01/2019
Tăng chất, nâng giá trị
Cũng liên quan vấn đề này, Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019” vừa được công bố mới đây cũng cho thấy, Chính phủ Việt Nam ký FLEGT VPA với EU tạo cơ hội mở rộng xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ chỉ bền vững khi các rủi ro hiện tại về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào trong chuỗi cung được loại bỏ hoàn toàn.
Cùng với đó, cuộc chiến Mỹ- Trung tạo ra những lợi thế cho Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường, tuy nhiên đã có bằng chứng về gian lận thương mại với Việt Nam là quốc gia trung chuyển, cũng như nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp từ sự bùng nổ làn sóng đầu tư, và điều này có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến ngành gỗ Việt Nam.
Nói như vậy, sự gia tăng đột biến một số mặt hàng gỗ xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam có thể làm phát sinh những cuộc điều tra mới của Chính phủ Mỹ về gian lận thương mại, thậm chí là chống bán phá giá và trợ cấp trong năm 2019.
Do đó, Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, ngành gỗ Việt Nam cần thay đổi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu.
Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, Tổ chức Fores Trend (Mỹ) nhận định: “Đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng”. Điều này, theo ông, đòi hỏi ngành cần có sự thay đổi đồng bộ trong tất cả các khâu khác nhau của chuỗi cung, đặc biệt trong các khâu như phát triển mẫu mã thiết kế, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Thay đổi cần tiến hành ngay và bây giờ, với thay đổi không phải chỉ đơn thuần là trách nhiệm của bản thân doanh nghiệp mà cần phải có môi trường thể chế thông thoáng, tạo điều kiện cho các bên liên quan phát huy hết tiềm năng và hiệu quả của mình", TS Phúc nhấn mạnh.
Ở góc độ doanh nghiệp ông Hiệp đồng tình, mục tiêu cuối cùng phải là tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ.
“Muốn vậy, việc trồng rừng cần có quy hoạch, cụ thể có giống chất lượng có điều kiện tín dụng phù hợp, đảm bảo cho gỗ nguyên liệu đủ độ cứng, độ vững cho chất lượng cao hơn ví dụ như trước đây 3-4 năm là chặt thì nay kéo dài hơn, giúp giá trị người trồng rừng thu được cũng như giá trị sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam trên trường quốc tế đều tăng lên”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm đồ gỗ, ông Hiệp khuyến nghị doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới thiết kế mẫu mã.
Kỳ II: Doanh nghiệp kêu “đói” vốn