Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Luật Khu công nghiệp - khu kinh tế dự kiến bổ sung chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái, tạo hành lang pháp lý ở tầm cao mới để điều chỉnh tất cả hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề cương Luật Khu công nghiệp - khu kinh tế, nhằm tạo ra hành lang pháp lý để điều chỉnh các hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, tư tưởng xuyên suốt của Luật là nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách lớn liên quan đến phát triển kinh tế; đồng thời, tạo ra hành lang pháp lý ở tầm cao mới để điều chỉnh tất cả hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế…
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ đang đề xuất xây dựng luật với tên gọi dự kiến là Luật Khu công nghiệp - khu kinh tế. Luật đề xuất 6 nhóm chính sách hỗ trợ, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đáp ứng được xu thế vận động mới trên thế giới như kinh tế xanh, tuần hoàn, năng lượng xanh…Bên cạnh đó, Luật dự kiến cũng bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái…
Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có nhiều đóng góp tích cực với công tác tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực…
Tính đến cuối tháng 5/2024, cả nước đã có 425 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 89.200ha. Trong đó, có 299 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, cũng như của các địa phương nói riêng.
Riêng năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút được trên 11.200 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và 10.600 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 251,6 tỷ USD và 2,67 triệu tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt tỷ lệ khoảng 68,2% và 45,3%.
Trong bối cảnh tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang trở thành xu hướng được lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, việc xanh hóa các khu công nghiệp, khu kinh tế là để đón dòng vốn đầu tư xanh.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, như Lego, Heineken… đã quan tâm đặc biệt đến sản xuất xanh thông qua xây dựng các nhà máy trung hòa carbon; sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Theo một số chuyên gia nhận định, việc phát triển khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức về vấn đề pháp lý liên quan đến quy chuẩn xây dựng khu công nghiệp sinh thái; chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Việt Nam cũng chưa có nhiều bài học kinh nghiệm và chiến lược vượt qua những thách thức trong quá trình triển khai các khu công nghiệp sinh thái.
Bình luận về nội dung này, bà Lê Trang, Giám đốc Cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam cho biết, Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm mô hình công nghiệp sinh thái, nên việc đưa những mô hình này vào thực tiễn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Chi phí thực hiện đang là vướng mắc lớn nhất trong quá trình chuyển đổi xanh các khu công nghiệp, nhưng chính sách hỗ trợ ưu đãi chưa tương xứng với chi phí bỏ ra…
“Để khắc phục những bất cập này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan đầu mối, phối hợp cùng các Bộ, ngành đẩy nhanh quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn giúp tháo gỡ vấn đề cho doanh nghiệp khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái”, bà Trang chia sẻ.