Sở Công thương Ninh Bình đã hỗ trợ các đơn vi trên địa bàn xây dựng website thương mại điện tử, tham gia sàn thương mại điện tử toàn cầu.
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như trong nước, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của ngành Công Thương Ninh Bình.
Theo Sở Công Thương Ninh Bình, thời gian qua, đặc biệt là tháng 8, sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ghi nhận mức giảm sút khi việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, các ngành kinh doanh dịch vụ có dấu hiệu chững lại.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 8 ước tính giảm 4,69% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận mức suy giảm của hoạt động sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 9,06%.
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết, theo thông lệ hàng năm, đầu quý II là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất kinh doanh thực hiện các chỉ tiêu doanh thu theo kế hoạch. Thế nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì tác động tiêu cực của đợt cao điểm bùng phát dịch COVID-19 diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất ở cả trong và ngoài nước.
Trong đó, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục phức tạp kéo dài thì hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ gặp phải khó khăn hơn nữa, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất.
Với quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất, một số đơn vị đã chủ động xây dựng phương án “3 tại chỗ” nếu dịch bệnh làm gián đoạn sản xuất.
Về phía Sở Công Thương đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu doanh nghiệp thường xuyên thực hiện các biện pháp để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Không chỉ sản xuất gặp khó mà hoạt động thương mại của tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn. Theo đó, doanh thu bán lẻ hàng hoá trong tháng 8 ước đạt trên 2.745,8 tỷ đồng, chỉ tăng 0,1% so với cùng tháng năm trước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2021, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước thực hiện gần 22.436,3 tỷ đồng, tăng 21,3% so với 8 tháng 2020. Giá trị xuất khẩu tháng 8 ước đạt gần 261,5 triệu USD, giảm 6,6% so với tháng 8/2020. Tổng giá trị xuất khẩu 8 tháng trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 1.783,8 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Công Thương Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh cần có phương án chủ động tích trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn tỉnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung kinh phí xây dựng website thương mại điện tử bán hàng với hai ngôn ngữ và thiết bị in tem QR code tích hợp truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; hỗ trợ kinh phí tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp… Riêng về xuất nhập khẩu, Sở cũng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan.
Có thể bạn quan tâm