Do El Nino sẽ xuất hiện nửa cuối năm 2023 và kéo dài sang nửa đầu năm 2024, do đó, nhiệt điện than bắt buộc phải được tăng cường huy động do điện tái tạo và điện nhập khẩu số lượng hạn chế.
>>>Một số giải pháp thúc đẩy ngành điện khí LNG phát triển
Trong báo cáo triển vọng ngành điện năm 2024 mới đây, Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho biết, trong 10 tháng năm 2023, tổng sản lượng điện đạt 234,13 tỷ kWh, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện bắt đầu phục hồi kể từ nửa sau năm 2023 khi nền kinh tế của Việt Nam cũng như toàn cầu được cải thiện.
Cụ thể, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt kết quả tích cực hơn trong quý III so với những quý trước đó (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%), chỉ số IIP cũng duy trì mức tăng trưởng tích cực kể từ tháng 06/2023.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino làm cho tình hình thuỷ văn không thuận lợi, nước về các hồ thuỷ điện thấp, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tình hình cung ứng điện khá ổn định.
Tuy nhiên, bước sang tháng 4, lượng nước về hồ giảm thấp và nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than. Vì vậy, nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hệ thống điện miền Bắc xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải các địa phương khu vực miền Bắc. Vào tháng 5-6/2023, khu vực phía Bắc thiếu điện khoảng 1.600 – 4.900 MW vào giai đoạn tháng 5-6/2023, chiếm khoảng 12-18% lượng điện tiêu thụ hàng ngày của khu vực.
Theo TPS, năm 2023, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Cũng trong năm nay, giá điện bán lẻ bình quân được điều chỉnh tăng 4,5% vào ngày 09/11 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và chi phí đầu vào tăng.
TPS cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino làm cho tình hình thuỷ văn không thuận lợi, nước về các hồ thuỷ điện thấp, đặc biệt tại khu vực miền Bắc ở những tháng cuối mùa khô (giữa tháng 5 đến giữa tháng 6), điều này làm cho nguồn điện từ thuỷ điện giảm, buộc EVN phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện với chi phí cao hơn.
Cụ thể, tỷ trọng điện được huy động từ thuỷ điện giảm từ 35,4% vào năm 2022 xuống còn 29,7% trong 10 tháng năm 2023. Ngược lại, tỷ trọng điện được huy động từ nhiệt điện than tăng từ 38,6% vào năm 2022 lên 46,0% trong 10 tháng năm 2023, tỷ trọng điện từ các nguồn khác không có sự thay đổi nhiều. Tỷ trọng điện được huy động từ nhiệt than và nhiệt khí chiếm khoảng 56,5% trong 10 tháng năm 2023.
Cũng theo TPS, ngành công nghiệp và xây dựng là ngành tiêu thụ điện lớn nhất cả nước, luôn chiếm trên 50% tổng sản lượng điện tiêu thụ trong những năm gần đây. Tiêu thụ điện của ngành công nghiệp và xây dựng được dự báo sẽ tăng mạnh trong năm tới khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam trong lĩnh vực này tăng mạnh trong năm 2023. Cụ thể, tỷ trọng vốn FDI đăng ký của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng trong tổng FDI đăng ký tăng từ 60% vào năm 2021, 62% vào năm 2022 và khoảng 74% trong 11 tháng năm 2023.
Công ty Chứng khoán này dự báo, tổng nguồn điện cần huy động năm 2024 tăng trưởng từ 6,2%-9%. Theo đó, với mức tăng trưởng GDP 2024 dự kiến 6,5%, dự báo tổng nguồn điện huy động năm 2024 sẽ giao động từ 298,04 tỷ kWh (phụ tải bình thường) tới 306,36 tỷ kWh (phụ tải cao). Trong trường hợp phụ tải bình thường, tổng nguồn điện huy động tăng 6,2% so với cùng kỳ. Trong trường hợp phụ tải cao, tổng nguồn điện huy động tăng 9,2% so với cùng kỳ.
Theo kịch bản cân đối cung – cầu điện của EVN cho năm 2024, tỷ trọng điện từ nguồn thuỷ điện sẽ giảm xuống từ 35,4% vào năm 2022 còn 29,7% trong 10 tháng năm 2023 còn 29,0% trong trường hợp phụ tải bình thường và 28,2% trong trường hợp phụ tải cao ở năm 2024.
Ngược lại, tỷ trọng nhiệt điện than tăng từ 38,6% năm 2022 lên 46,0% trong 10 tháng năm 2023, 50,6% trong trường hợp phụ tải bình thường và 51,8% trong trường hợp phụ tải cao ở năm 2024. Chênh lệch giữa tổng nguồn điện huy động ở trường hợp phụ tải cao và phụ tải thấp ở năm 2024 đến từ việc tăng thêm 7,9 tỷ kWh nhiệt điện than và 0,4 tỷ kWh nhiệt điện khí.
“Như vậy, trong năm 2024, điện than vẫn được kỳ vọng sẽ có lợi hơn điện khí và thuỷ điện. Theo dự báo của EVN, thị trường điện sẽ được nới lỏng hơn vào năm 2024 khi khả năng thiếu điện ở miền Bắc vào mùa khô năm 2024 (tháng 6 đến tháng 7) ước khoảng 420 – 1.770 MW, gần bằng 1/3 lượng điện thiếu hụt ước tính nửa đầu năm 2023”, TPS nhận định.
Bên cạnh đó, TPS cũng nhận định, El Nino kéo dài đến tháng 6/2024 sẽ tạo lợi thế cho nhiệt điện, gây áp lực cho thủy điện. Theo dự báo, 80%-90% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2024. Dự báo El Nino sẽ gia tăng dần về cường độ vào các tháng mùa Đông năm 2023-2024, lượng mưa có thể ít hơn so với trung bình từ 25-50% đặc biệt là ở khu vực miền Bắc. Dự báo là khả năng El Nino tiếp tục xảy ra trong năm tới và 2026.
“Do El Nino sẽ xuất hiện nửa cuối năm 2023 và kéo dài sang nửa đầu năm 2024, do đó, nhiệt điện than bắt buộc phải được tăng cường huy động do điện tái tạo và điện nhập khẩu số lượng hạn chế. Các doanh nghiệp thuỷ điện thường có lợi nhuận giảm trong giai đoạn El Nino”, TPS nhận định thêm.
Có thể bạn quan tâm
Ký kết thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc và Ấn Độ trong phát triển ngành điện tử
20:00, 07/12/2023
Một số giải pháp thúc đẩy ngành điện khí LNG phát triển
05:00, 03/12/2023
Ngành điện vẫn còn rất nhiều bất cập
18:10, 07/11/2023
Triển vọng ngành điện: Kỳ vọng từ dự án đường dây 500kV mạch 3
00:30, 19/09/2023
Thời điểm “chín muồi” khởi động ngành điện gió
15:30, 04/08/2023