Các doanh nghiệp ngành đồ uống Việt Nam cần thay đổi để bắt kịp xu hướng xanh hóa, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng là ưu tiên các sản phẩm ít đường.
Theo số liệu của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), trong năm 2024, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam khoảng 4.400 triệu lít (chỉ xấp xỉ năm 2022), trong khi nước giải khát là 4,658 tỷ lít, tăng 4,8% so với năm 2023. Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống toàn cầu là một trong những lĩnh vực tăng trưởng năng động nhất, và đóng vai trò quan trọng trong nền công nghiệp của nhiều quốc gia. Tuy nhiên ngành này cũng chịu sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực về giá cả, sự đổi mới sản phẩm liên tục và vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn hơn.
Một số chuyên gia cho rằng để phát triển bền vững, ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, gồm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và tổ chức nghiên cứu để xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường quảng bá sản phẩm sẽ giúp hàng hóa Việt Nam chinh phục được những thị trường khó tính. Hơn nữa, ngành phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng giải pháp phát triển nguồn nguyên liệu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững… mới có thể bắt kịp xu hướng tiêu dùng nội địa, cũng như thị trường toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA khẳng định, xu hướng hiện nay của thị trường đồ uống và nước giải khát tại Việt Nam là người tiêu dùng đang hướng đến các sản phẩm ít đường, không đường…
“Các loại nước ngọt có ga đang đối mặt với nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe và các chính sách hướng đến hạn chế tiêu dùng loại sản phẩm này. Người tiêu dùng có xu hướng chi nhiều hơn cho sản phẩm lành mạnh, bổ dưỡng, có nguồn gốc từ tự nhiên, ít đường, ít calo, không cồn…”, ông Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề bao bì nhựa cũng đang tạo áp lực cho các nhà sản xuất. Làm sao để giảm khối lượng bao bì sử dụng, tối ưu hoá vật liệu, sử dụng vật liệu nhẹ, dễ dàng tái chế được… nên cần sử dụng phương pháp tái chế mới, vật liệu mới để đảm bảo nền kinh tế tuần hoàn. Đại diện VBA nhấn mạnh, việc tiếp cận, nắm bắt công nghệ mới phục vụ quá trình sản xuất của ngành đồ uống là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, các doanh nghiệp đồ uống Việt Nam cần tăng cường các tham gia các chuỗi sự kiện kết nối, trao đổi thông tin đa chiều trong nước, quốc tế thông qua các triển lãm, hội chợ để nắm được xu hướng tiêu dùng, giúp ngành phát triển đúng xu thế và bền vững.
Xoay quanh vấn đề này, ông Richard Clemens, Giám đốc điều hành Hiệp hội máy móc chế biến thực phẩm và bao bì, thiết bị và nhà máy quy trình (thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất máy móc và thiết bị VDMA) cho rằng, tăng trưởng kinh tế, sự phát triển dân số, xu hướng sức khỏe và dinh dưỡng, cùng với vòng đời sản phẩm ngày càng rút ngắn đang định hình sự phát triển của ngành đồ uống và thực phẩm lỏng. Ngành này đặc biệt quan tâm đến các yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng, cũng như quy trình sản xuất và đóng gói bền vững, được nâng tầm nhờ vào dữ liệu và công cụ số hóa. Xu hướng sức khỏe, công thức mới, thành phần chức năng và tầm quan trọng ngày càng tăng của protein trong đồ uống đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi doanh nghiệp cần có mô hình sản xuất mới.
Việc sử dụng tài nguyên một cách có trách nhiệm không chỉ là vấn đề của ngành đồ uống và thực phẩm lỏng, mà còn ảnh hưởng đến tất cả các quá trình kinh tế. Tuần hoàn và quản lý tài nguyên là một vấn đề mang tính toàn cầu và cũng được ưu tiên trong chương trình nghị sự chính trị của nhiều quốc gia châu Âu và ngoài châu Âu.
“Ngành đồ uống Việt Nam có triển vọng mạnh mẽ, song cần xem xu hướng tương lai của ngành là gì? Đơn cử như xu hướng sử dụng công nghệ tự động hoá, sử dụng máy móc hiện đại trong chế biến, đóng gói”, ông Richard Clemens nhấn mạnh.