Nhiều ý kiến đề xuất cần lộ trình thuế hợp lý cho nước giải khát có đường để tránh tạo gánh nặng kép cho ngành đồ uống trong bối cảnh Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam.
Theo đó, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (Dự thảo) đã được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Một trong nội dung của Dự thảo đang nhận được nhiều ý kiến đó là quy định bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế, với thuế suất 10%.
Theo Dự thảo, mục đích của việc sửa đổi là thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, ngoài áp lực từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), ngành đồ uống còn lo ngại tác động kép từ thuế quan đối ứng mà Hoa Kỳ vừa công bố hôm 2/4.
"Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử việc Tổng thống Donald Trump áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Dù chưa thể đánh giá toàn diện tác động tiêu cực từ quyết định áp thuế 46% với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, nhưng có thể thấy một trong những trụ cột cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 là “đẩy mạnh xuất khẩu” sẽ bị tác động nặng nề, đặc biệt là thị trường Mỹ", ông Việt chia sẻ.
Theo Chủ tịch VBA, ngành đồ uống là ngành thu hút nhiều vốn đầu tư trong nước và những tập đoàn lớn từ nước ngoài như Heineken, Sabeco, Carlsberg, Coca-cola, Anheuser-Busch InBev, Suntory PepsiCo, Tân Hiệp Phát... Mặc dù còn quá sớm để có thể đánh giá được hết các tác động tiêu cực của chính sách áp thuế đối ứng và những tác động cụ thể tới ngành đồ uống, tuy nhiên, trong bối cảnh Chính phủ kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay, rất cần tiếp tục duy trì sức hấp dẫn, cạnh tranh và niềm tin để ổn định và thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, cần xem xét các động lực bền vững từ chính các sức mạnh nội tại, trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp để có thể đóng góp nhiều hơn vào động lực tăng trưởng.
“Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội VBA và các doanh nghiệp ngành đồ uống kiến nghị, đối với Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần cẩn trọng, xem xét một lộ trình áp dụng phù hợp (lùi thời điếm thực hiện và giãn, giảm việc tăng thuế) cho các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát để giảm những tác động tiêu cực tới ngành, tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong những năm tới”, ông Việt tiếp tục đề xuất.
Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, chính sách thuế đối ứng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mới công bố đang khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn hơn. Những tác động chồng chất là điều khó tránh khỏi. Các tập đoàn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang rất quan ngại trước diễn biến này.
Theo ông Tuấn, trong bối cảnh hiện nay, điều cần thiết là tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và phát triển bền vững. Việc áp dụng thêm sắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường, nếu chưa thực sự cấp thiết, thì nên tạm hoãn. Nếu Quốc hội vẫn xem xét việc áp thuế, thì cần có lộ trình phù hợp với thực tiễn.
Theo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến, xem xét thông qua Dự thảo. Vì vậy, các doanh nghiệp đều kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ cân nhắc áp thuế đối với nước giải khát có đường vào diện chịu thuế trong bối cảnh mới là nước ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% và chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa thông báo áp thuế lên đến 46% đối với hàng Việt Nam xuất sang Mỹ.