Việt Nam có khả năng phát triển vượt trội đối với ngành thực phẩm và đồ uống F&B trong 5 năm tới.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh tại Lễ Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Thực phẩm - Đồ uống & Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm, đồ uống lần thứ 10 tại Hà Nội - Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2024.
Theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, trong những năm gần đây nền kinh tế Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng này là ngành thực phẩm và đồ uống.
“Quỹ Tiền Tệ Thế Giới (IMF) dự báo thị trường ngành F&B Việt Nam sẽ đạt mốc 655.000 tỷ đồng, giá trị tăng thêm khoảng 10,92% so với năm trước 2023, trở thành một trong những quốc gia có khả năng phát triển vượt trội trong 5 năm tới”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng đánh giá, tiếp nối thành công của các kỳ Triển lãm trước, Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống, thiết bị công nghiệp chế biến lần thứ 10 lần tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm hiểu thị trường, tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại và đầu tư để đáp ứng được xu hướng phát triển của thị trường.
“Triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp và khách tham quan nắm bắt được xu hướng về sản phẩm và công nghệ mới trong ngành thực phẩm và đồ uống và những cách tiếp cận mới đối với sản xuất, chế biến và đóng gói và tiêu dùng thực phẩm, đồ uống trong thời gian tới đây”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nói.
Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối và xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối trong nước và quốc tế, góp phần mở rộng chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Các chương trình kết nối giao thương và hội thảo, workshop chuyên ngành là những hoạt động thiết thực được đơn vị tổ chức triển lãm phối hợp thực hiện cũng sẽ đem lại cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp xúc trực tiếp và tiếp nhận thông tin và nâng cao nhận thức về các tiểu chuẩn, quy trình sản xuất và những thách thức trong quản trị và phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng.
“Thay mặt lãnh đạo Liên đoàn Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, tôi hoan nghênh các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế tích cực tham gia triển lãm, coi đây là cơ hội mở rộng thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho thành công của Triển Lãm, góp phần vào sự phát triển nền kinh tế nói chung và ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam nói riêng”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng bày tỏ.
Theo dữ liệu được IPOS.vn công bố cho thấy, chỉ trong nửa năm 2024, doanh thu ngành F&B Việt Nam đạt 403,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 68,46% doanh thu cả năm 2023. Đây là cột mốc đầy khả quan để ngành F&B tận dụng thời cơ và các yếu tố then chốt, tăng tốc những tháng cuối năm.
Theo đó, tệp khách hàng của thị trường F&B mở rộng hơn, nhất là tầng lớp trung lưu và gen Z đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Riêng với nhóm trung lưu chiếm khoảng 13% dân số, tăng thêm 4 triệu người trong năm 2024, tập trung ở khu vực thành thị (theo VIRAC).
Còn nhóm khách hàng gen Z thường có thói quen tìm kiếm địa điểm ăn uống mới lạ, sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm sản phẩm sáng tạo. Nếu khai thác đúng nhu cầu của 2 nhóm này vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp F&B sẽ phát triển thêm lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành F&B. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 11,4 triệu lượng khách quốc tế, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023.
Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so cùng kỳ với năm ngoài. Những chuyển biến tích cực này mang đến kỳ vọng về cơ hội bứt tốc của ngành F&B Việt Nam, đặc biệt vào mùa cao điểm chi tiêu và du lịch cuối năm.
Ngoài ra, những chính sách đối nội – đối ngoại của Việt Nam trong năm 2024 cũng có nhiều tác động đến nền kinh tế nói chung và ngành F&B nói riêng.