Thị trường lấy lại đà tăng trưởng nhờ gia tăng khối lượng tiêu dùng và sự gia tăng ảnh hưởng của doanh nghiệp FDI là 2 trong số những điểm nhấn của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2019.
Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, bức tranh ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2019 nổi lên với những tín hiệu tăng trưởng tích cực của thị trường cũng như gia tăng ảnh hưởng ngày càng lớn của các doanh nghiệp ngoại.
Báo cáo cập nhật tình hình thị trường FMCG Việt Nam (FMCG Moniter) tháng 12/2019 do Worldpanel Division công bố đã cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tích cực của thị trường tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam trong năm 2019. Theo đó, những tín hiệu tích cực của thị trường FMCG Việt Nam 2019 đến từ việc kinh tế tiếp tục cho thấy nhiều triển vọng tích cực, với nhiều khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 2019 đã đề ra. Đặc biệt, thị trường FMCG tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai con số ở khu vực nông thôn trong ngắn hạn.
Cụ thể, kinh tế Việt Nam cho thấy những con số lạc quan trong 11 tháng năm 2019 với chỉ số CPI được kiểm soát tốt cũng như tăng trưởng mạnh mẽ đến từ doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng. Tăng trưởng GDP được dự đoán sẽ đạt 7% với nhiều khả năng vượt chỉ tiêu đã đề ra cho năm 2019.
Theo phân tích của Worldpanel Division thì xét trong dài hạn, thị trường FMCG lấy lại đà tăng trưởng nhờ gia tăng khối lượng tiêu dùng. Đáng chú ý, trong ngắn hạn thị trường ở khu vực Nông thôn tiếp tục ghi nhận mức tăng hai chữ số, hứa hẹn sẽ đạt mức tăng trưởng cả năm 2019 cao hơn dự đoán từ đầu năm.
Nếu xét theo năm, các ngành hàng đều cho thấy tăng trưởng lành mạnh. Ngành hàng chăm sóc cá nhân tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng ở khu vực Thành thị (4 TP chính), trong khi sữa và các sản phẩm từ sữa đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở khu vực nông thôn.
Đặc biệt, một tín hiệu rất đáng quan tâm được Worldpanel Division chỉ ra là việc kênh trực tuyến, siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng FMCG ở khu vực Thành thị 4 TP. Bên cạnh đó, ở Nông thôn, chợ truyền thống dần nhường thị phần của mình cho các kênh hiện đại hơn như cửa hàng chuyên doanh và siêu thị.
Với những tiềm năng và tín hiệu tích cực của thị trường, miếng bánh FMCG đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của hầu hết những doanh nghiệp tên tuổi trên thế giới như Coca-Cola, Pepsico, URC, Nestlé, Acecook... Theo đó, "sân đấu FMCG" đang đặt các doanh nghiệp trong nước như Vinamilk, Masan, Tân Hiệp Phát,... vào một cuộc đua giành thị phần không hề đơn giản trong bối cảnh "sự chung thủy" của người tiêu dùng Việt là không cao.
Tất nhiên, xét về tổng quan thị trường, sự canh tranh trên được đánh giá tích cực, đặc biệt, đối với người tiêu dùng thì cuộc đua trong ngành FMCG đang ngày càng tạo ra nhiều lựa chọn ngày càng hợp lý hơn.
Việt Nam, thị trường hơn 90 triệu dân với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh cộng với thu thập bình quân được cải thiện đang tạo ra rất nhiều dư địa cho ngành FMCG.
Không chỉ thu hút các doanh nghiệp đến từ Mỹ, Châu Âu hay Nhật Bản mà Việt Nam cũng đang trở thành "cứ điểm" của URC, nhà đầu tư FDI lớn nhất của Philippines tại Việt Nam gia tăng tầm ảnh hưởng tại thị trường nội địa và vươn ra khu vực.
Tính đến nay, URC Việt Nam, công ty con của tập đoàn URC (Universal Robina Corporation) nhà sản xuất nước giải khát và đồ ăn nhanh (snack) đã đầu tư trên 200 triệu USD với 5 nhà máy khắp Việt Nam.
Năm 2019, theo thông tin công bố thì doanh nghiệp này đã có được kết quả kinh doanh rất khả quan khi ghi nhận mức tăng trưởng hơn 15% cho các sản phẩm FMCG. Đặc biệt, có những thương hiệu đạt mức tăng trưởng đến 34% so với năm 2018 như C2 và Lemon 500ml.
Theo ông Laurent Levan, Chủ tịch & Tổng Giám đốc của URC cho biết thì hiện nay, Việt Nam được xác định là thị trường và “cứ điểm” quan trọng của URC và với những kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2019, URC Việt Nam đầu tư hơn 1.5 triệu USD cho công nghệ trong năm 2020.
Bên cạnh URC, những cái tên FDI còn lại trong ngành FMCG như Coca-Cola, Pepsico, URC, Nestlé,... được đánh giá cũng có một năm 2019 làm ăn tốt. Đặc biệt hơn, phần đa trong những cái tên này này đều nằm trong danh sách 100 doanh nghiệp phát triển bền vững 2019 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công nhận.
Sự gia tăng ảnh hưởng và quy mô của các doanh nghiệp FDI trong ngành FMCG được nhiều chuyên gia đánh giá là một động lực tốt để nâng cao tính cạnh tranh và sự chuyên nghiệp của thị trường.