Ngành hàng lúa gạo đang bị khách hàng nhập khẩu điểm trúng những điểm yếu nhất nhằm ép giá để mua được sản phẩm với giá rẻ nhất.
Là một cường quốc xuất khẩu gạo với 30 năm kinh nghiệm thương trường nhưng ngành hàng lúa gạo một lần nữa phải nhờ sự chung tay “giải cứu” khi chỉ mới vào đầu vụ, sản lượng thu hoạch chưa nhiều nhưng đầu ra đã ách tắc, giá lúa đã sụt giảm mạnh, nói như Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: "Nông dân như đang ngồi trên đống lửa vì lúa đổ đống mà thương lái thì vắng hoe".
Đề “giải cứu” lúa gạo, Chính phủ đã phải triệu tập cuộc họp nhanh với các bộ, ngành để chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Ngày 26/2 vừa qua, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức hội nghị “thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo” tại tỉnh Đồng Tháp. Các quyết sách được đưa ra đã được ngành hữu quan, các địa phương khẩn trương thực hiện, tình hình tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL đã được cải thiện giá lúa đã bắt đầu nhích lên 200-300 đồng/kg so với thời điểm trung tuần tháng 2. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy.
Có thể bạn quan tâm
10:19, 28/02/2019
12:28, 26/02/2019
18:18, 19/02/2019
14:00, 19/02/2019
08:30, 19/02/2019
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành hàng lúa gạo, từ một quốc gia thiếu đói đã vươn lên cường quốc đứng hàng thứ 3 của thế giới về xuất khẩu gạo thì không thể phủ nhận được thành tích to lớn của ngành hàng này.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn nhìn nhận ngành hàng này đang còn tồn tại nhiều bất cập, điểm yếu cần phải được khắt phục một cách căn cơ.
Thứ nhất, về tổ chức sản xuất hiện nay đã hình thành nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên, hoạt động của các mô hình này vẫn chưa như kỳ vọng mà vướng mắc chính là phương thức hợp tác chưa chặt chẽ nên mới xảy ra tình trạng “bẻ kèo”, chính sách hỗ trợ chưa đủ mạnh.
Dưới gốc độ của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng: Mô hình cánh đồng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân đến nay vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên để có thêm nguồn vốn để hỗ trợ liên kết với nông hộ thì doanh nghiệp cần phải có thêm nguồn tín dụng lưu động ưu đãi. Điều này rất khó thực hiện được doanh nghiệp đã thuế chấp tài sản cho các hợp đồng tín dụng thông thường nên không còn tài sản để thế chấp cho tín dụng đầu tư liên kết với nông dân, trong khi đó đất đai trên cánh đồng liên kết là của nông hộ nên doanh nghiệp cũng không có quyền thế chấp tài sản này cho Ngân hàng.
Để phát huy được hiệu quả của mô hình này ông Bình kiến nghị: Ngân hàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài hơn để doanh nghiệp có thể đầu tư vào cánh đồng liên kết và mua lúa tạm trữ khi cần thiết như trong đợt giải cứu lúa gạo lần này.Kiến nghị của Công ty Trung An cũng là nỗi niềm của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.
Chia sẻ tại hội nghị “thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cũng đã nêu lên trăn trở: Tuy chúng ta đang là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nhưng vẫn chưa thoát khỏi “lời nguyền”: Sản xuất cá thể, manh mún, mạnh ai nấy làm, giá thành cao, chất lượng không đồng đều. Thực tế cho thấy chỉ có làm ăn tập thể mà mô hình HTX chính là mắt xích quan trọng để liên kết chuỗi ngành hàng. Để mô hình này phát triển thì Chính phủ cần thiết ban hành một Nghị định HTX, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp.
"Còn để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự do nuôi trồng không tổ chức được mô hình làm ăn tập thể thì nông dân vẫn nghèo muôn thuở. Chỉ có mô hình hợp tác sản xuất tập thể mới có thể đưa các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm”, GS.TS Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp chia sẻ.
Chính vì sản xuất theo kiểu: “mạnh ai nấy làm, theo quy trình tùy thích” nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, trên một cánh đồng có nhiều giống lúa với quy trình sản xuất không ai giống ai; khi thương lái đi thu mua thì gom tất cả loại lúa khác nhau vào một ghe, chở về nhà máy xay xát cùng một mẻ và cho ra đời thứ sản phẩm gạo hỗn tạp. Chính kiểu sản xuất như thời tự cung tự cấp nên việc xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng sản phẩm, truy suất nguồn gốc…không thể thực hiện được.
Đây chính là những điểm yếu mà khách hàng có thể “bắt chẹt” để ép giá.