Kinh tế thế giới

Ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc gặp trở ngại mới

Cẩm Anh 17/10/2024 11:06

Bất chấp sự phát triển vượt bậc, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Trung Quốc đang phải đối mặt với những trở ngại mới.

untitled.jpg
Các tấm pin mặt trời tại một cơ sở sản xuất điện mặt trời ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AFP

Dự kiến tại Hội nghị thượng đỉnh COP29, các bên sẽ nỗ lực để thống nhất các mục tiêu tài chính mới để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Năm ngoái, các quốc gia đã đồng ý tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trên toàn cầu vào năm 2030. Trong đó, Trung Quốc đang lắp đặt gần gấp đôi năng lượng mặt trời và năng lượng gió so với tất cả quốc gia khác cộng lại.

Theo Wood Mackenzie, Trung Quốc cũng là nơi có 10 nhà cung cấp thiết bị sản xuất tấm pin mặt trời hàng đầu thế giới và kim ngạch xuất khẩu liên quan đạt mức kỷ lục 49 tỷ đô la Mỹ vào năm ngoái.

Sự thống trị đó không phải là ngẫu nhiên, mà nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước Trung Quốc. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Bắc Kinh đã đầu tư hơn 50 tỷ USD vào công suất cung ứng năng lượng mặt trời mới từ năm 2011 đến năm 2022.

Ngành công nghiệp này cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nguyên liệu thô giá rẻ, nguồn vốn dễ dàng từ các ngân hàng Nhà nước và nguồn nhân lực kỹ thuật khổng lồ. "Các nhà sản xuất Trung Quốc đã có những ưu thế vượt trội hơn tất cả các nhà sản xuất khác về chi phí", ông Lauri Myllyvirta, đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, một nhóm chuyên gia về khí hậu, cho biết.

"Điều đó có nghĩa là các khoản đầu tư mới sẽ diễn ra ở Trung Quốc, vì đó là nơi có tính cạnh tranh cao nhất", ông Lauri Myllyvirta nói với AFP.

Khi các quốc gia trên thế giới chạy đua chuyển đổi năng lượng, thì sự thống trị của ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng.

Mỹ và các nước phương Tây khác đã cáo buộc Bắc Kinh cố tình tạo dư thừa công suất và tràn ngập thị trường toàn cầu bằng các mặt hàng năng lượng mặt trời giá rẻ nhằm làm giảm sức cạnh tranh.

Hiện nay, hầu hết các tấm pin mặt trời nhập khẩu của Mỹ đều đến từ Đông Nam Á, nhưng Washington cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã chuyển hoạt động sang đó để lách thuế quan của Mỹ. Quốc gia này cũng chiếm gần như toàn bộ lượng tấm pin mặt trời nhập khẩu của châu Âu từ bên ngoài khối.

"Điều đó có nghĩa là nhiều thị trường sẽ phải vật lộn để bắt kịp "với hai thập kỷ chính sách công nghiệp rất mạnh mẽ và rất thành công ở Trung Quốc", chuyên gia Myllyvirta cho biết.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn riêng, vượt ra ngoài các rào cản thương mại ở phương Tây.

Các chuyên gia cho biết, sự phát triển quá nhanh của ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp này phải vay nợ quá mức và gây ra một cuộc chiến giá cả khốc liệt.

a.jpg
Một trang trại điện mặt trời của Công ty phát triển thủy điện Hoàng Hà, đơn vị thuộc Tập đoàn đầu tư điện lực quốc gia của Trung Quốc ở tỉnh Thanh Hải. Ảnh: Bloomberg

Nhà phân tích David Fishman tại Lantau Group chuyên về lĩnh vực điện của Trung Quốc cảnh báo, cuộc chiến giá cả tại Trung Quốc diễn ra khốc liệt đến mức thu nhập từ xuất khẩu năng lượng mặt trời giảm trong năm ngoái mặc dù khối lượng xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục.

"Các doanh nghiệp bị mắc kẹt trong vòng tròn cạnh tranh này, nơi bất kỳ ai có thể chịu đựng lâu nhất sẽ trở thành người chiến thắng", Fishman nhận định.

Trong khi tình trạng dư thừa sản xuất năng lượng mặt trời đã giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu lắp đặt mặt trời sớm hơn gần 6 năm so với kế hoạch, thì lưới điện của nước này đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ này.

Ông Fishman cho biết, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ sớm phải ngừng phê duyệt các dự án năng lượng mặt trời mới hoặc cho phép các dự án kết nối vào lưới điện.

Bị chặn ở phương Tây và cạn kiệt cơ hội phát triển trong nước, ngành năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới. Năm nay, châu Á đã vượt qua châu Âu để trở thành thị trường nhập khẩu thiết bị năng lượng mặt trời lớn nhất của Trung Quốc.

Theo tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember, xuất khẩu thiết bi năng lượng mặt trời của Trung Quốc sang châu Phi trong năm 2023 cũng tăng vọt 187% so với cùng kỳ năm 2022, mặc dù châu lục này chỉ mua một phần nhỏ so với châu Âu.

Giới quan sát cho biết, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn tái cấu trúc. Sau đó, lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển mà không bị gián đoạn và mở rộng dấu ấn sản xuất trên phạm vi toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành năng lượng mặt trời Trung Quốc gặp trở ngại mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO