Đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) Đinh Đức Thắng tại buổi họp mặt các doanh nghiệp Hội viên năm 2024.
Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch VPA Đinh Đức Thắng cho biết, hiện nay, ngành nhựa Việt Nam đang có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn 250.000 lao động. Sản phẩm nhựa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn vươn xa đến hơn 170 thị trường trên thế giới.
Đặc biệt, xuất khẩu nhựa sang Mỹ, thị trường lớn nhất của ngành, cùng các thị trường tiềm năng khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu, Thái Lan và Ấn Độ đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2024, dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 6,57 tỷ USD, tăng 26,79% so với năm 2023. Dự báo, sản lượng nhựa Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn vào năm 2024 và tăng trưởng ấn tượng lên 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 8,14%.
Doanh thu ngành năm 2024 dự kiến đạt 31 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm trước, đánh dấu một bước tiến quan trọng trên hành trình hội nhập và phát triển đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, ngành nhựa đang ở trong một giai đoạn phát triển với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít các thách thức.
Chủ tịch VPA cho rằng, sự đô thị hóa mạnh mẽ tại nhiều nước trong đó có Việt Nam khiến nhu cầu nhựa xây dựng tăng trưởng rất tốt. Bên cạnh đó, số lượng người gia nhập tầng lớp trung lưu trên toàn cầu cũng tăng cao qua các năm. Cùng với xu hướng thương mại điện tử bùng nổ dẫn tới tăng nhu cầu về đồ gia dụng và bao bì, đóng gói.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn, quan trọng của thế giới với nhiều nhà máy được xây dựng hoặc dịch chuyển từ nước khác sang cũng giúp thị trường nhựa Việt Nam tăng trưởng rất tích cực. Tuy nhiên, ông cho rằng, ngành cũng đang đối diện với những thách thức lớn về vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa vốn đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.
Trước xu thế đó, các quyết sách và sáng kiến toàn cầu đang dần định hình lại vai trò và trách nhiệm của ngành nhựa. Để giữ nhựa trong nền kinh tế, nhưng ngăn nhựa chạy vào đại dương. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng mở ra những cơ hội to lớn để ngành nhựa chuyển mình, hòa nhập vào định hướng phát triển bền vững.
“Chúng ta đã trải qua năm 2024 với những thay đổi mạnh mẽ với chính sách, xu hướng thị trường và yêu cầu phát triển bền vững. Đối mặt với những biến động đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đã cho thấy sự đoàn kết, bản lĩnh và sáng tạo. Những nỗ lực ấy không chỉ duy trì đà tăng trưởng ổn định, mà còn khẳng định vai trò của ngành nhựa trong nền kinh tế quốc gia”, Chủ tịch VPA Đinh Đức Thắng nhấn mạnh.
Chủ tịch VPA Đinh Đức Thắng cũng đưa ra những nhận định về ngành trong thời gian tới: Thứ nhất, xu hướng tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường đang được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như EU, Mỹ và Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để ngành nhựa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Thứ ba, chính sách EPA và hỗ trợ từ Chính phủ. Khung pháp lý rõ ràng và các chính sách khuyến khích, tái chế, tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững hơn.
Ông cũng chỉ ra những thách thức mà ngành nhựa cần vượt qua. Thứ nhất là cạnh tranh toàn cầu. Ngành nhựa Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và sự vươn lên mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Thứ hai là áp lực môi trường và tiêu chuẩn quốc tế. Các yêu cầu khắt khe về giảm thải carbon, tiêu chuẩn tái chế và loại bỏ nhựa dùng một lần đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư đổi mới công nghệ tăng chi phí sản xuất.
Thứ ba là phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Sự thiếu hụt nguyên liệu, cả nguyên sinh và tái chế trong nước không chỉ làm tăng chi phí mà còn khiến doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động của thế giới.
Chia sẻ về những định hướng tương lai của ngành nhựa Việt Nam, ông Thắng cho rằng, cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư vào các công nghệ sản xuất nhựa tái chế, tiết kiệm năng lượng và đáp ứng tiêu chuẩn xanh là yếu tố then chốt để ngành nhựa Việt Nam giữ vững vị thế trên trường quốc tế.
Cùng với đó là phát triển chuỗi cung ứng nội địa. Việc hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu nhựa nguyên sinh trong nước cùng với xây dựng hệ thống tái chế, kết hợp phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, cần phải tăng cường hợp tác trong ngành. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp không chỉ giúp đối phó tốt hơn với áp lực cạnh tranh mà còn tạo ra sức mạnh tổng hợp, tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi.
“Ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tái định vị lại mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Những thách thức có thể khiến chúng ta chững lại nhưng với tinh thần đổi mới, đoàn kết và cam kết mạnh mẽ tôi tin rằng ngành nhựa Việt Nam sẽ tận dụng tốt các cơ hội vượt qua các thách thức, khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước”, Chủ tịch VPA Đinh Đức Thắng chia sẻ thêm.
Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, tổng sản lượng nhựa của toàn thế giới đến năm 2030 tăng tăng trưởng khoản 3%, điều này gắn với câu chuyện xuất khẩu và nhập khẩu nhựa của các doanh nghiệp. Ông cho rằng, xuất khẩu nhựa nguyên liệu phục hồi rất mạnh vào năm 2021, nhưng năm 2023 lại giảm rất mạnh (giảm 28%). Đây cũng là xu hướng chung của thế giới trong năm 2023.
TS Cấn Văn Lực đánh giá, hiện nay ngành nhựa trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu về nhựa của hơn 100 triệu dân, chưa kể trong đó có cả các doanh nghiệp FDI. Như vậy, 70% còn lại phải nhập khẩu và đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển.
“Việt Nam hiện nay vẫn có nhu cầu sản xuất nhựa chứ không phải là cấm sản xuất và chúng ta đang giảm ô nhiễm chứ không phải là giảm sản xuất. Bởi hiện nay mức độ tiêu thụ bình quân đầu người của chúng ta vẫn còn thấp hơn nhiều so với thế giới. Do đó, ngành nhựa Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, do cầu đang lớn hơn cung”, TS Cấn Văn Lực đánh giá.
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, doanh thu của các doanh nghiệp ngành nhựa tăng khá tích cực trong 3 năm qua. Lãi ròng mặc dù có thời điểm khó khăn, có thời điểm thuận lợi, nhưng tựu chung lại thì vẫn có chiều hướng đi lên. Do đó, biên lợi nhuận gộp của toàn ngành tăng khoảng 13-15%.
Nhận định về cơ hội của ngành nhựa, TS Cấn Văn Lực cho rằng, ngành công nghiệp đóng gói và bao bì của Việt Nam đang phát triển, nhu cầu tiêu dùng nhựa trong rất nhiều lĩnh vực cũng đang trên đà tăng lên, đặc biệt là về xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, ngành lương thực thực phẩm, y tế, điện tử…nhu cầu đang rất lớn và vẫn còn tăng; và đặc biệt hơn nữa là cung hiện đang vượt cầu tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, TS Cấn Văn Lực cũng chỉ ra những thách thức của ngành nhựa Việt Nam như: nhu cầu và hành vi tiêu dùng thay đổi, người tiêu dùng tiết kiệm hơn, sử dụng các sản phẩm xanh nhiều hơn; yêu cầu về sản xuất xanh, phân phối và tiêu dùng xanh ngày càng nghiêm ngặt hơn; cạnh tranh cũng sẽ khắc nghiệt hơn; xu hướng công nghệ thay đổi nhanh hơn; quy định về môi trường, xanh hóa ngày càng nghiêm ngặt hơn, trong khi Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về chất thải nhựa.
"Ngoài ra, ngành nhựa Việt Nam cũng chưa làm chủ được phần lớn nguyên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí tăng cao, rủi ro chuỗi cung ứng, biến động giá dầu và giá nguyên vật liệu", TS Cấn Văn Lực chia sẻ.