Năm 2023, ngành nông nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang giao chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế (lĩnh vực nông - lâm - thủy sản) là 37,05%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản 1,24%.
Trước bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, giá cả nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, Ngành nông nghiệp Kiên Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Năm 2023, ngành nông nghiệp được UBND tỉnh giao chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế (lĩnh vực nông - lâm - thủy sản) là 37,05%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản 1,24%. Trong đó, sản lượng lúa đạt từ 4,4 triệu tấn trở lên. Tỷ lệ sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 90% diện tích gieo trồng. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt từ 99% đến tương đương năm 2022 (tương ứng từ 835.962 tấn trở lên).
Mặc dù ngành nông nghiệp gặp nhiều nhiều khó khăn, nhưng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT, Sở đã chủ động phối hợp, chỉ đạo, điều hành, tăng cường liên hệ với các sở, ngành phòng, chống khô hạn, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi nên tình hình sản xuất nông lâm và thủy sản tiếp tục ổn định.
Riêng 6 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa và Đông Xuân 2022-2023 là 349.583 ha/349.450 ha, đạt 100,03% kế hoạch và bằng 99,55% cùng kỳ năm 2022. Thu hoạch dứt điểm sản lượng được 2.526.089 tấn/2.424.100 tấn, đạt 104,21% kế hoạch vụ, tăng 3,05% so cùng kỳ và bằng 57,41% kế hoạch năm (4,4 triệu tấn).
Trong vụ Mùa và Đông Xuân 2022-2023, toàn tỉnh tổ chức sản xuất cánh đồng lớn được 717 cánh đồng với 82.585,74 ha, tăng 401 cánh đồng và diện tích tăng 21.511,74 ha so cùng kỳ năm 2022 (310 cánh đồng lớn, diện tích 61.074 ha).
“Nhìn chung, giá lúa tiêu thụ trong liên kết cánh đồng lớn được thuận lợi, doanh nghiệp thu mua phần lớn cao hơn giá thị trường do có kiểm soát dư lượng và sản xuất an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật, ….” Ông Thao cho hay.
Trong vụ Mùa và Đông Xuân 2022-2023, có 27.187 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, Hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản,….
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã được cấp 165 mã vùng trồng với 7.072,27 ha cho 13 loại cây trồng cho các vùng trồng phục vụ xuất khẩu chủ yếu các thị trường như EU, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada, .... Riêng cây lúa đã được cấp 118 mã vùng trồng với tổng diện tích 6.043,80 ha.
Về chăn nuôi, theo Cục thống kê số lượng đàn trâu có 4.758 con, tăng 3,68% so cùng kỳ (tăng 169 con); đàn gia cầm 5.597 ngàn con, tăng 1,82% so cùng kỳ.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong 06 tháng đầu năm nay, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản là 357.857 tấn, đạt 42,54% so kế hoạch và bằng 91,07% so cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng khai thác giảm ước được 217.837 tấn thủy sản các loại, đạt 45,27% kế hoạch và bằng 83,90% so cùng kỳ. Nguyên nhân do nguồn lợi thuỷ sản vẫn đang suy giảm nghiêm trọng, giá nhiên liệu, vật tư phục vụ khai thác, nhu yếu phẩm,… ở mức cao làm cho chi phí trên biển tăng cao nên hiệu quả kinh tế giảm.
Để hoàn thành chỉ tiêu năm 2023, ông Thao khẳng định: Sở tiếp tục tăng cường công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sinh vật hại kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn lịch thời vụ gieo sạ, tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng, trừ dịch hại trên cây lúa; đồng thời sẵn sàng ứng phó khi xảy ra khô hạn, xâm nhập mặn, ngập úng,...
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng quy trình canh tác giảm chi phí, tăng cường sản xuất lúa an toàn, bền vững theo chuỗi giá trị; tăng diện tích sản xuất lúa được ký hợp đồng tiêu thụ với giá thị trường; đồng thời chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa-tôm, cây hàng năm, cây ăn quả ở những địa bàn có điều kiện, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành.
Đặc biệt, tiếp tục kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển chăn nuôi trang trại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học...; cụ thể hóa cơ chế, chính sách hỗ trợ có hiệu quả theo hướng tăng tỷ trọng các loài vật nuôi có giá trị gắn với thị trường tiêu thụ theo “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030” của Kiên Giang...
Ngoài ra, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng 6 tháng cuối năm đạt 482.143 tấn, góp phần nâng tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 840.000 tấn, đạt nhiệm vụ được giao; Triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị...
“Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về quản lý chất lượng, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi gian lận, vi phạm các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp...”, ông Thao nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm