Ngành nông nghiệp và bài toán chia sẻ năng lượng, giảm phát thải carbon

ANH VŨ 02/11/2023 01:08

"Giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải hiệu quả mà Nhật Bản đã và đang áp dụng chính là việc tích hợp mô hình điện mặt trời trên các đồng ruộng, được gọi là hệ thống chia sẻ năng lượng".

>>> Doanh nghiệp Việt và bài toán trung hòa carbon

Đó là chia sẻ của ông Koji Nishi, Giám đốc đại diện Công ty TNHH Agritree về giải pháp tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải hiệu quả trong ngành nông nghiệp mà Nhật Bản đã và đang áp dụng. Nếu thí điểm thành công việc tích hợp mô hình điện mặt trời trên các đồng ruộng, mô hình này có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, giảm phát thải khí carbon, nhất là khi Việt Nam là nước phát triển mạnh về nông nghiệp.

Mô hình chia sẻ năng lượng được công ty Agritree áp dụng tại Nhật Bản

Mô hình chia sẻ năng lượng đang được áp dụng tại Nhật Bản

>>> Truy xuất “dấu chân carbon” tạo chỗ đứng cho tôm sinh thái

Hệ thống này được xây dựng dựa trên nguyên lý chia sẻ ánh sáng mặt trời giữa sản xuất nông nghiệp và sản xuất điện bằng cách lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời hẹp trên những trụ đỡ cao lắp trên đất nông nghiệp.

Theo đó, các tấm pin năng lượng sẽ được lắp ở phía trên các đồng ruộng hoa màu, với khoảng cách từ 2,5 - 3m so với mặt đất nhằm đảm bảo các hoạt động canh tác vẫn có thể diễn ra bình thường. Các tấm pin năng lượng sẽ được thiết kế nhỏ hơn với độ che phủ thấp, tỷ lệ pin với khoảng trống là 1:2 nhằm đảm bảo hoa màu phía dưới vẫn có thể hấp thụ đủ ánh nắng.

Đặc biệt, hệ thống chia sẻ năng lượng mặt trời có thể đáp ứng các nhu cầu như gia tăng nguồn thu nhập mới cho nông dân, giảm chi phí bằng cách sản xuất điện tại nhà... Đồng thời, có thể sử dụng làm nguồn điện ở các vùng nông thôn không có thiết bị phát điện, hoặc trong điều kiện thời tiết xấu gây ảnh hưởng đến việc truyền tải điện đến các địa phương.

Theo Agritree, mô hình này đã được áp dụng tại một số trang trại ở Nhật Bản và đạt được một số kết quả nhất định. Đến nay, mô hình đã được đưa vào sử dụng ở một số mảnh đất nông nghiệp trồng khoai tây, hành tây, khoai lang, đậu phộng, khoai môn, đậu nành, lúa mì, quả việt quất... Ngoài ra, hệ thống cũng có thể được đưa vào sử dụng trên những loại đất nông nghiệp khác nhau như ruộng lúa nước.

ông Koji Nishi

Ông Koji Nishi - Giám đốc đại diện Công ty TNHH Agritree

>>> Nguồn lực xanh từ giao dịch tín chỉ carbon

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu ứng dụng mô hình này từ năm 2021 nhận được sự hỗ trợ của Thành phố Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Tỉnh Fukuoka và JICA. Trước đó, vào tháng 3/2023, Agritree đã ký kết MOU với Học viện Nông nghiệp Quốc gia Việt Nam (VNUA) nhằm tiến hành hành thiết kế các mô hình thí điểm tại đây.

Chia sẻ với báo chí, ông Koji Nishi khẳng định: nếu ứng dụng thành công, mô hình này có thể hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, giảm phát thải khí carbon, nhất là khi Việt Nam là nước phát triển mạnh về nông nghiệp và nông nghiệp đang là một trong những lĩnh vực phát thải lớn ở Việt Nam.

Cũng theo ông Trần Quang Hội, CEO Công ty tư vấn đầu tư - mua bán sáp nhập Ecobuy đánh giá, bên cạnh những lợi ích có thể thấy như gia tăng việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải, giảm chi phí đầu tư mua điện, mô hình này vẫn còn cần phải nghiên cứu nhiều hơn mới có thể đi đến áp dụng rộng rãi.

Ông Trần Quang Hội, CEO Công ty tư vấn đầu tư - mua bán sáp nhập Ecobuy

Ông Trần Quang Hội, CEO Ecobuy

Trước mắt, phải chờ kết quả thí điểm của Agritree và Học viện Nông nghiệp Quốc gia Việt Nam, việc này cần khoảng 3 đến 6 tháng nữa. Sau đó, còn cần cân nhắc mở rộng ra nghiên cứu xem hoa màu nào, thổ nhưỡng như thế nào thì mới thích hợp với mô hình này.

Hơn nữa, cũng cần tính đến vấn đề quy mô, môi trường, vấn đề chống cháy nổ, bảo dưỡng... bởi ở Việt Nam chủ yếu là các hộ nông dân với quy mô, diện tích canh tác nhỏ, nhân lực ít, khó có thể đảm bảo được các tiêu chuẩn cao. Đây cũng là một rào cản đối với việc áp dụng rộng rãi mô hình này tại Việt Nam.

Ngoài ra, ông Hội cũng chỉ ra ba khó khăn lớn trong việc áp dụng mô hình này: Thứ nhất, hiện nay, Việt Nam chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng cho mô hình chia sẻ năng lượng. Do vậy, cần có sự nghiên cứu kỹ càng hoặc có những quy định, chính sách liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương và các bên liên quan thực hiện mô hình này.

Thứ hai nằm ở phía nhà đầu tư, do tích hợp với việc canh tác trong nông nghiệp nên sẽ cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng tấm pin, cần xây hệ thống cột cao, khoảng cách rộng hơn nhưng tấm pin lại nhỏ, lượng điện năng tạo ra cũng ít hơn. Song, không phải nhà đầu tư nào cũng chấp nhận rủi ro này.

Thứ ba là khó khăn về nguồn vốn, các nhà đầu tư cũng cần có sự hỗ trợ về tài chính, ông Hội kỳ vọng ngân hàng có thể có các cơ chế vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc thậm chí lãi suất 0% - 1% cho các nhà đầu tư vào các công trình xanh, giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng như mô hình này. Đồng thời cần có sự thông thoáng hơn trong việc xét duyệt hồ sơ vay vốn, ông cho rằng hiện nay, thời gian xét duyệt hồ sơ cho một dự án có khi phải mất tới 3 - 4 tháng, khoảng thời gian chờ kéo quá dài sẽ khiến doanh nghiệp dễ nản và có thể gây nên những khó khăn khác cho doanh nghiệp khi bị thiếu vốn.

Có thể bạn quan tâm

  • Truy xuất “dấu chân carbon” tạo chỗ đứng cho tôm sinh thái

    03:00, 28/10/2023

  • Nguồn lực xanh từ giao dịch tín chỉ carbon

    03:32, 22/10/2023

  • Lexus tiên phong sứ mệnh trung hòa carbon

    09:46, 09/10/2023

  • Startup Greener hướng doanh nghiệp đạt tới mức 0 phát thải carbon

    09:38, 04/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành nông nghiệp và bài toán chia sẻ năng lượng, giảm phát thải carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO