Năm 2024, ngành phân bón Việt Nam đang trên đà tìm kiếm một sự cân bằng mới và có thể tăng trưởng trung bình một chữ số dựa trên các yếu tố như nhu cầu, nguồn cung và biến động giá nguyên liệu.
>>Thuế xuất khẩu phân bón "chặn đường" doanh nghiệp
Trong ba năm qua, thị trường Urê đã chứng kiến những biến động lớn phản ánh sự không ổn định nguồn cung trên quy mô toàn cầu. Cuộc khủng hoảng khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) cuối năm 2021, xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022 và các chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là quyết định của Trung Quốc trong việc cấm xuất khẩu Urê đã làm tăng thêm áp lực lên thị trường này.
Công ty Chứng khoán HSC phân tích, giá Urê đã biến động rất mạnh trong giai đoạn nói trên và nhu cầu bị ảnh hưởng bởi khả năng chi trả thấp hơn của người nông dân, do chi phí khí đốt cao trong giai đoạn từ nửa cuối năm 2021 đến nửa đầu năm 2023. Các nhà sản xuất phân bón của EU chỉ có lợi nhuận ở mức vừa phải và nhiều trong số họ đã tạm thời đóng cửa khoảng 20% tổng sản lượng. Kết quả là giá Urê toàn cầu thời điểm đó bị đẩy lên mức cao kỷ lục, cho phép các nhà sản xuất với chi phí đầu vào cao ít nhất cũng hòa vốn và ngăn họ ngừng sản xuất.
Đến nay, thị trường Urê toàn cầu đang trên đà tìm kiếm một sự cân bằng, mặc dù chiến sự Nga-Ukraine vẫn tiếp tục và lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn hiệu lực.
Giá Urê trung bình của Trung Đông - một chỉ số thay thế cho giá Urê quốc tế (theo Ngân hàng Thế giới) trong năm tài chính 2023 đã giảm gần 50% so với năm trước xuống còn 358 USD/tấn, so với 700 USD/tấn trong năm tài chính 2022 và thấp hơn 26% so với năm tài chính 2021, và hiện đã trở lại mức của nửa đầu năm 2021.
Qua đó, HSC kỳ vọng thị trường Urê toàn cầu sẽ bước vào một giai đoạn ổn định hơn bắt đầu từ năm tài chính 2024, có nghĩa là giá Urê có khả năng sẽ biến động trong phạm vi hẹp hơn so với mức ở giai đoạn năm 2021-2023.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, SSI Research kỳ vọng giá Urê sẽ chứng kiến mức tăng trung bình một chữ số, dựa trên một loạt các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường Urê, nổi bật là nhu cầu, nguồn cung, cũng như biến động giá nguyên liệu.
Thứ nhất, về nhu cầu, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), diện tích canh tác các loại ngũ cốc đã giảm trong năm 2023 do điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến việc giảm nhu cầu đối với phân bón. Điều này ảnh hưởng đến giá Urê, khi mà nhu cầu giảm làm giảm áp lực lên giá.
Thứ hai, về giá nguyên liệu, giá khí đốt tự nhiên và giá than - hai yếu tố quan trọng trong sản xuất Urê- dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2024. Mặc dù vậy, mọi sự leo thang xung đột tại khu vực Trung Đông đều có thể gây ra biến động lớn cho giá nguyên liệu, từ đó ảnh hưởng đến giá Urê.
Cũng theo nhóm chuyên gia tại HSC, đối với doanh nghiệp sản xuất Urê trong nước, chi phí khí đốt của hai nhà sản xuất Urê dựa trên khí đốt đáng chú ý là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (HoSE: DPM) được gắn liền với giá dầu Brent và giá dầu nhiên liệu.
Do đó, trong giai đoạn 2021-2023, chi phí khí đốt của DCM và DPM đã rẻ hơn đáng kể so với các nhà sản xuất của EU và được tận hưởng mức lợi nhuận gộp rất cao nhờ chi phí khí đốt thấp cũng như giá bán cao. Tuy nhiên, căn cứ vào ước tính chi phí khí đốt cho năm tài chính 2024 sử dụng dự báo của EIA về giá dầu Brent ở mức 82,4 USD/thùng, thì chi phí khí đốt cho DCM và DPM sẽ lần lượt là 9,8 USD/mmBTU và 11,2 USD/mmBTU. Điều này có nghĩa là chi phí khí đốt cho DCM và DPM không còn rẻ hơn đáng kể so với các nhà sản xuất của EU, trong khi giá bán cũng đang theo xu hướng của toàn cầu. Do đó, lợi nhuận gộp cho cả hai công ty có khả năng sẽ bị thu hẹp so với giai đoạn 2021-2022.
Tuy nhiên, Luật sửa đổi thuế VAT có thể hỗ trợ thêm cho lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón. Theo lịch trình họp của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thuế VAT sẽ được thảo luận tại cuộc họp thứ 7 vào tháng 5/2024 và có thể được bỏ phiếu thông qua tại cuộc họp thứ 8 vào tháng 10/2024. Nếu được thông qua, Luật Thuế VAT sửa đổi sẽ có hiệu lực từ năm tài chính 2025. Một trong những sửa đổi của luật này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến các nhà sản xuất phân bón, đó là phân loại loại sản phẩm phân bón thành mặt hàng chịu thuế ở mức 5% từ mặt hàng không chịu thuế hiện tại.
“Phân bón hiện được phân loại là mặt hàng không chịu thuế, do đó, không đủ điều kiện để khấu trừ VAT đầu vào. Nếu việc sửa đổi Luật Thuế VAT được thông qua, tức là sản phẩm phân bón bị đánh thuế 5% thì các nhà sản xuất phân bón có thể áp dụng hoàn 7-10% thuế VAT mà họ phải trả cho nguyên liệu đầu vào. Chúng tôi ước tính, số tiền hoàn thuế có thể lên đến 400 - 500 tỷ đồng mỗi năm cho cả DCM và DPM. Điều này sẽ hỗ trợ đáng kể cho lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này từ năm tài chính 2025 trở đi”, nhóm chuyên gia của HSC dự báo.
Hiện tại, HSC đã nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu DCM lên thành tăng tỷ trọng với giá mục tiêu mới là 39.000 đồng/cp và duy trì khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu DPM ở giá mục tiêu mới là 37.900 đồng/cp.
Có thể bạn quan tâm
13:41, 19/03/2024
11:00, 22/02/2024
19:22, 06/02/2024