Nhiều ngành sản xuất đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, bị áp thuế chống bán phá giá ở nước ngoài và “lép vế” trên sân nhà.
Trong số đó, vẫn có những mặt hàng “nhúc nhích” tăng trưởng như ngành thép. Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), những tháng đầu năm nay, ngành thép tăng trưởng trong thế “nhúc nhích” và lách qua “khe cửa hẹp”.
Thống kê của Hiệp hội cho thấy, cả ngành sản xuất thép trong nước từ đầu năm đến nay tương đối ổn định về giá cả và thị trường các sản phẩm thép. Xuất khẩu thép ra thị trường nước ngoài khó khăn hơn bởi các hàng rào phòng vệ thương mại.
“Khe cửa hẹp”
Điển hình như, Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương đã cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam vào Canađa. Hay gần đây, Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép mạ nhôm - kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Đó chỉ là những ví dụ điển hình, còn trên thực tế, xuất khẩu thép Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp cần phải cẩn trọng.
Trong bối cảnh ấy, tăng trưởng sản xuất thép 9 tháng 2019 đạt 18.836.168 tấn, tăng 6,7%; Bán hàng đạt 17.306.872 tấn, tăng 8,5%. Trong đó, xuất khẩu thép là 3.546.274 tấn, tăng 2,9% (so với 9 tháng 2018).
“Nếu loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng thì tốc độ tăng trưởng sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép đều giảm lần lượt là 2% và 4% so với cùng kỳ năm 2018”, Hiệp hội Thép nhận định.
Ngành thép Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng và thế mạnh. Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép cho biết, giai đoạn ngành thép Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu trong các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, đầu tư, kiện toàn tổ chức, hợp tác quốc tế và phòng vệ thương mại. Thậm chí, ngành thép đang phải đối mặt với thách thức dư thừa công suất.
Theo ông Nguyễn Đình Phúc – Phó TGĐ Tổng công ty Thép Việt Nam, trước sức ép cạnh tranh của ngành thép ngày càng gay gắt kể từ năm 2010 trở lại đây, việc tăng cường công tác thị trường là rất quan trọng nhưng cần có sự cạnh tranh lành mạnh. Đưa sản phẩm có chất lượng tốt tới người tiêu dùng, ngăn chặn hàng kém chất lượng tràn vào trong nước.
Một trong những biện pháp hữu hiệu của doanh nghiệp là áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất. Qua đó nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, lãng phí sản xuất.n