Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 hơn 1.300 tỷ đồng ở Nghệ An có nguy cơ tiếp tục trễ hẹn do chưa hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Thực trạng trên đã và đang khiến chủ đầu tư “đau đầu”, các đơn vị thi công gặp khó khăn, mệt mỏi do phải tiêu tốn quá nhiều nguồn lực dành cho dự án. Do vậy, mới đây Ban Quản lý Dự án 4 (QLDA4) đã có văn bản báo cáo và đề nghị các địa phương cấp huyện khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
“Nút thắt” GPMB
Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ngày 18/3/2022 và chính thức khởi công vào đầu tháng 9/2022. Dự án có tổng mức đầu tư 1.300,270 tỷ đồng, với tổng chiều dài 28,2 km, đi qua địa bàn các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi – Nậm Cắn đoạn qua huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Dự án do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, được chia làm 3 gói thầu xây dựng. Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, khi đến hạn, dự án không thể về đích như kế hoạch đề ra. Bởi vậy, mới đây đơn vị chủ đầu tư đã tiếp tục xin gia hạn thời gian hoàn thành.
Theo thông tin từ đại diện Ban QLDA4, Cục Đường bộ Việt Nam: Đến nay, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 vẫn chưa thể hoàn thiện như dự kiến đề ra. Trên tuyến còn nhiều đoạn chưa được các địa phương bàn giao mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án. Về nguyên nhân chậm trễ GPMB là bởi các hộ dân có đất bị ảnh hưởng không chấp thuận phương án, giá trị đền bù, hỗ trợ, bồi thường GPMB. Bên cạnh đó, còn có một số hộ chưa hoàn thiện hồ sơ, tranh chấp, khởi kiện…
Mặc dù trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc và giao thời hạn bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để đơn vị thi công hoàn thành dự án. Mốc thời gian bàn giao mặt bằng cũng được gia hạn từ giữa năm 2023 đến tháng 9/2024. Tuy nhiên, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 hiện vẫn đang bị bế tắc do chưa hoàn thành xong công tác GPMB.
Cụ thể, tính đến ngày 29/11/2024, mặt bằng trên tuyến chỉ mới bàn giao được 53,9km/55,4km (đạt 97,32%) tính cả trái và phải tuyến. Hiện nay còn vướng 1,48 km (tính cả trái và phải tuyến) chưa được bàn giao, chiếm 2,68% bao gồm 49 đoạn, ảnh hưởng 106 thửa đất. Trong đó, đáng chú ý là huyện Diễn Châu có 32 đoạn với tổng chiều dài 0,66 km, ảnh hưởng đến 57 thửa đất; huyện Yên Thành 17 đoạn với tổng chiều dài 0,8 km, ảnh hưởng đến 48 thửa đất. Ngoài ra, dự án có 15 hộ dân tại huyện Diễn Châu bị ảnh hưởng phải tái định cư.
Áp lực cho nhà thầu
Ghi nhận thực tế của PV vào đầu tháng 12/2024, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 7 vẫn còn đang dang dở ở nhiều đoạn tuyến, phần lớn các hạng mục chưa thể thi công là do chưa được bàn giao mặt bằng “sạch”. Một số đoạn mặc dù đã được bàn giao mặt bằng nhưng chỉ là những đoạn ngắn, không đủ công để đơn vị thi công triển khai thực hiện.
Hệ luỵ của việc chưa GPMB đã khiến dự án liên tục bị chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả mục tiêu thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và đặc biệt là tiêu tốn nhiều nguồn lực của các nhà thầu. Bên cạnh đó, việc dự án thi công kéo dài dễ dẫn đến các bất cập nảy sinh như: Gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông cho người, phương tiện tham gia trên tuyến.
Ông Vũ Tuấn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành thông tin: Đến tháng 12/2024, địa phương vẫn còn 48 thửa đất của 42 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 chưa chấp thuận phương án GPMB do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền, tổ chức đối thoại. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn không đồng tình phương án GPMB. Hiện, huyện đã lên phương án bảo vệ thi công để tiếp tục triển khai dự án.
Cũng theo tìm hiểu được biết, mới đây, Ban QLDA4 đã có báo cáo gửi Cục Đường bộ Việt Nam và đề xuất, báo cáo Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo UBND các huyện Diễn Châu, Yên Thành huy động toàn bộ hệ thống chính trị, tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của nhà nước. Khẩn trương hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công.
Ban QLDA4 đề nghị địa phương tổ chức bảo vệ thi công trong tháng 12/2024 đối với những hộ dân không đủ điều kiện để đền bù; những hộ dân xây dựng công trình trái phép trên đất lưu không đường bộ; những hộ dân đã được địa phương đối thoại, tuyên truyền vận động nhưng không chấp hành. Được biết, hiện Ban QLDA4 cũng đang trình Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án hoàn thành năm 2024 sang năm 2025.
Về tiến độ thi công, các gói thầu của dự án đã được Bộ Giao thông vận tải tạm thời gia hạn đến hết tháng 12/2024. Phía chủ đầu tư sẽ tiếp tục xin gia hạn tiến độ các gói thầu hoàn thành lần lượt từ tháng 4 đến tháng 7/2025 sau khi thực hiện điều chỉnh tiến độ dự án.
Trước đó, trong chuyến kiểm tra hồi giữa tháng 8/2024, ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định: Bộ Giao thông vận tải rất sốt ruột vì dự án mãi vẫn chưa có mặt bằng sạch dẫn đến chậm tiến độ và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Trong khi đó, trách nhiệm GPMB thuộc về địa phương. Các địa phương đã cam kết nhiều lần thì cần phải hành động để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu tổ chức thi công.