Suốt nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hàng trăm người dân làm ăn, sinh sống dọc 2 bên đường tỉnh 535 ở Nghệ An hết sức khốn khổ do phải chịu cảnh thiếu nước sạch nghiêm trọng.
Hệ quả của tình trạng quy hoạch “tréo nghoe” xảy ra tại 2 xã Nghi Thái và Nghi Phong, huyện Nghị Lộc, Nghệ An thiếu tầm nhìn lâu dài của những người đứng đầu ngành, địa phương ở thời điểm trước được bộc lộ rõ thông qua thực trạng nói trên.
Nhiều ý kiến cho rằng, đáng lẽ trước khi triển khai đầu tư, xây dựng tuyến đường tỉnh nối liền 2 địa phương cấp huyện, các cơ quan ban, ngành, địa phương liên quan phải dự đoán trước tầm quan trọng của tuyến đường này trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng như có phương án dự phòng bổ sung đầy đủ các tiện ích thiết yếu như điện, nước… khi mật độ nhà máy, công ty, hộ kinh doanh, hộ dân sẽ ngày càng đông đúc trong tương lai.
Chậm phát triển do thiếu nước sạch
Tuyến đường tỉnh 535 (ĐT 535) có chiều dài khoảng 11,5km nối từ trung tâm TP Vinh xuống Cửa Hội, TX Cửa Lò được tỉnh Nghệ An đầu tư nâng cấp, mở rộng vào năm 2012 với quy mô mặt đường rộng 23m, nền đường 45m bằng thảm bê tông nhựa cùng tổng số vốn đầu tư lên đến 2.507 tỷ đồng. Do vậy, ĐT 535 được đánh giá là một trong những tuyến đường giao thông trọng yếu của tỉnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông thương hàng hóa, đi lại của doanh nghiệp và người dân.
>>Mối nguy hại khi sử dụng ống nước sinh hoạt lâu năm
Chưa kể, trong đề án quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi trung tuần tháng 9 vừa qua cũng có nhắc đến nội dung sáp nhập TX Cửa Lò vào TP Vinh thì tuyến ĐT 535 sẽ ngày càng trở nên quan trọng, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai gần.
Quan trọng là thế, ấy vậy mà trong suốt nhiều năm qua, vẫn tồn tại một thực cảnh đầy “tréo nghoe” trải dài dọc tuyến đường huyết mạch nói trên. Đó là việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hàng trăm người dân thuộc 2 xã Nghi Thái và Nghi Phong, huyện Nghi Lộc vẫn đang từng ngày, từng tháng, từng năm, mòn mỏi đợi chờ nước sạch về “khu phố”.
Ghi nhận thực tế của Diễn đàn Doanh nghiệp, hiện nay, hầu hết các hộ dân nơi đây đang phải sử dụng từ nguồn nước giếng khoang bị nhiễm phèn nặng, nổi váng và có màu vàng đục. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn An (33 tuổi), trú ở xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái là một tiểu thương kinh doanh hàng tạp hóa trên trục ĐT 535 cho biết: Gia đình chung tôi sử dụng nước giếng khoang qua bao thế hệ rồi, nước khi được bơm lên bị nhiễm phèn nặng, có màu vàng khè, đục ngầu. Vậy cho nên, hiện chúng tôi phải sử dụng hệ thống lọc nước qua nhiều bước và cũng chỉ để phục vụ cho nhu cầu tắm rửa hàng ngày. Chứ còn việc ăn uống thì phải mua bình nước sạch ở ngoài, chi phí mỗi tháng rơi vào khoảng từ 800.000 – 1.000.000 đồng.
>>Ứng phó với nguy cơ thiếu nước
Nước sạch chưa về không chỉ gây ra tình cảnh khốn khổ cho người dân, nền kinh tế của 2 xã vùng ven thành phố này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ vì các công ty, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ăn uống không thể phát triển mạnh dù nắm giữ lợi thế khi nằm trên trục đường lớn của tỉnh.
Chị Phan Thị Quỳnh Anh (32 tuổi), có gần 200m2 đất mặt đường ĐT 535 thuộc xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái, cho hay: “Gia đình chúng tôi có khu đất rộng nằm ngay mặt đường tỉnh lộ, hàng ngày có hàng trăm, hàng nghìn người lưu thông qua lại nên rất muốn mở cửa hàng kinh doanh ăn uống để nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập. Thế nhưng, do chưa có nước máy và đang phải dùng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn nặng, không đảm bảo an toàn vệ sinh nên chúng tôi không dám đầu tư thực hiện”.
“Do vậy, chúng tôi mong muốn rằng các cơ quan ban, ngành cùng chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ nhân dân dọc 2 bên đường tỉnh 535 sớm có nước máy để dùng”, chị Quỳnh Anh bày tỏ.
Địa phương chờ sở, sở lại chờ vốn?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Lục – Chủ tịch UBND xã Nghi Thái cho biết: Hiện nay, toàn xã Nghi Thái đều chưa có nước máy để sử dụng, các hộ dân đang phải dùng nước giếng khoan, bể lọc. Xã đã lắp 2 đường ống về rồi, trong đó một đường nối từ xã Nghi Đức đến xóm Thái Thọ, xã Nghi Thái; một đường thì nối từ ĐT 535 vào UBND xã.
“Theo dự kiến của đơn vị cấp nước thì tháng 6/2024, họ sẽ tiến hành đấu nối vào các vùng trung tâm của xã và một số hộ dân mặt đường tỉnh 535”, ông Lục nói thêm.
>>Nghệ An: Nhà máy nước hàng chục tỷ đồng "đắp chiếu" vì thiếu nước thô
Để làm rõ những khúc mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân làm ăn, sinh sống trên tuyến ĐT 535, PV đã gọi điện thoại trực tiếp cho ông Nguyễn Văn Hà – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cấp nước Nghệ An và được ông Hà cho biết: Khu vực đường tỉnh 535 chưa được đấu nối vì liên quan đến tuyến đường do Sở GTVT Nghệ An quản lý. Chúng tôi đang nghiên cứu các thủ tục đầu tư, cấp phép để cố gắng đưa nước sạch về sớm cho người dân.
“Quan điểm của đơn vị là ở khu vực bên trong xã, nơi có nền kinh tế chưa phát triển, nhu cầu thấp hơn mà chúng tôi còn làm thì nói gì đến trục đường lớn, tuyến có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như ĐT 535. Quan trọng là Sở GTVT tỉnh cho phép thì chúng tôi mới được làm”, ông Hà nói.
Cũng qua tìm hiểu được biết, không những thiếu nước sạch sinh hoạt, việc chưa được đầu tư nâng cấp, xây dựng hệ thống mương thoát nước 2 bên tuyến đường này cũng đang là vấn đề đang gây nhức nhối trong dư luận quần chúng nhân dân nơi đây. Bởi lẽ, cứ mỗi khi mưa đến lại xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ…
Kết hợp cả 2 vấn đề trên, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII diễn ra vừa qua, Sở GTVT tỉnh Nghệ An lý giải rằng: Do khó khăn về nguồn vốn, trước mắt cần ưu tiên đầu tư xây dựng rãnh thoát nước tại các đoạn đi qua khu đông dân cư, các vị trí mặt đường trung thấp so với dân cư 2 bên tuyến thường bị ngập nước… Do vậy, đối với đoạn đường này, Sở GTVT sẽ tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An xem xét và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm