VCCI phối hợp với Văn phòng DN vì sự Phát triển bền vững tổ chức Khóa đào tạo “Hướng dẫn áp dụng Cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Trong khuôn khổ “Sáng kiến Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ - GBII” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai thực hiện trong khuôn khổ Dự án vùng “Thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng ở ASEAN” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) được tài trợ bởi Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh, Chi nhánh VCCI tại Nghệ An phối hợp với Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thuộc VCCI tổ chức Khóa đào tạo “Hướng dẫn áp dụng Cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 26/11/2020.
Tham dự Khoá đào tạo có bà Đinh Thị Xuân – Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc VCCI; bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An; bà Lê Thị Thu Hiền – Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam; các Chuyên gia thuộc Học viện Tài chính, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng gần 70 các học viên đến từ các doanh nghiệp, tổ chức tại tỉnh Nghệ An.
Phát biểu khai mạc, bà Đào Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh VCCI tại Nghệ An cho biết, những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo mạnh mẽ, kịp thời nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhiều điều kiện, thủ tục kinh doanh đã được cắt bỏ, công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả khả quan… Đây là những vấn đề cốt lõi cần tập trung giải quyết để hướng đến một nền kinh tế minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và phát triển.
Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại Nghệ An nói riêng đang được vận hành trong nền kinh tế số và thế giới phẳng. Nhiều Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và các nước đã được ký kết mở ra cho doanh nghiệp nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kiểm soát nội bộ và quy tắc ứng xử trong kinh doanh là một nhiệm vụ rất quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. “Tuy nhiên, chúng ta đang tăng tốc trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng thì không ít thách thức đặt ra, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải nhanh chóng chuyển đổi tư duy, thay đổi phương thức quản trị; và đặc biệt, phải tuân thủ những chuẩn mực ứng xử của khu vực và quốc tế”, bà Hoa nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Hiền – Đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đề cao sự cam kết, quyết tâm của lãnh đạo và tập thể cán bộ nhân viên tại doanh nghiệp trong việc triển khai thành công cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp.
Đến từ Học viện Tài chính, Chuyên gia tài chính, kế toán và kiểm soát nội bộ - TS. Vũ Phương Liên cho biết, việc áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh sẽ mang đến cho cộng đồng doanh nghiệp nhiều lợi ích thiết thực, nâng cao uy tín của doanh nghiệp, có thêm năng lực quản lý rủi ro và ứng phó với khủng hoảng, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành trơn tru, hiệu quả và minh bạch hơn.
Theo TS. Nguyễn Phương Mai – Đại học Quốc gia Hà Nội, việc quản trị rủi ro trong doanh nghiệp có rất nhiều lợi ích. Trước hết, doanh nghiệp cải thiện sự hiểu biết về rủi ro trong hoạt động kinh doanh; đa dạng hoá lợi ích một cách hiệu quả dựa trên hiểu biết về rủi ro và vận dụng các cơ hội; được chuẩn bị trước để có biện pháp quản lý các trường hợp tích tụ yếu tố tiềm tàng xảy ra rủi ro từ đó, doanh nghiệp có thể tập trung vào các hoạt động tạo lợi nhuận và từ bỏ lĩnh vực không có lãi, phân loại khách hàng căn cứ vào mức độ rủi ro của khách hàng từ hồ sơ đánh giá rủi ro và sử dụng các công cụ tính toán để phản ánh mức độ rủi ro thực tế cho từng khách hàng.
Tại Khoá đào tạo, đại diện các doanh nghiệp đã được nghe các Chuyên gia chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cách tiếp cận, xây dựng, triển khai cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh nhằm nâng cao thực tiễn quản trị doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro theo thông lệ quốc tế và đáp ứng các điều kiện yêu cầu về quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các Chuyên gia đã chuyển tải nhiều thông tin quan trọng về những rủi ro thường gặp, các biện pháp giảm thiểu rủi ro, Luật pháp và Quy định hiện hành của Việt Nam về kiểm soát nội bộ, các hoạt động kiểm soát cũng như các bước thiết lập và vận hành kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và Bộ Quy tắc ứng xử trong kinh doanh không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp mà còn là tiêu chí để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp được đánh giá trên các yếu tố minh bạch, liêm chính, thực hiện quản trị doanh nghiệp theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đây còn công cụ để khối doanh nghiệp tư nhân xây dựng một văn hoá kinh doanh lành mạnh, bền vững, cùng tham gia với Chính phủ trong vấn đề phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả.